Nhu cầu chất đạm cho hoạt động thể thao

Chúng ta đều biết vai trò quan trọng của dinh dưỡng trong hoạt động thể thao, vì dinh dưỡng hợp lý giúp tăng hiệu quả trong luyện tập, thi đấu. Một chế độ ăn có thể giúp vận động viên (VĐV) lập thành tích tốt nhất được khuyến cáo cho đa số các loại hình vận động bao gồm nhiều loại thực phẩm cung cấp khoảng 60 - 70% năng lượng từ chất bột đường, 12 - 15% năng lượng từ chất đạm và khoảng 20% năng lượng từ chất béo, cung cấp đủ rau, trái cây và uống đủ nước. Trong số trước, chúng ta đã phân tích vai trò của chất bột đường, năng lượng quan trọng cho VĐV, số này chúng ta tiếp tục tìm hiểu vai trò của chất đạm trong thể thao.

Vai trò chất đạm (Protein)

Chất đạm có vai trò quan trọng trong việc tăng trưởng, đảm bảo cho các hoạt động bình thường và sửa chữa tất cả các mô của cơ thể, không chỉ đối với cơ bắp mà còn đối với các cơ quan khác như da, gan, thận, mắt, não, hệ thống thần kinh, máu và các dịch của cơ thể, xương, răng, sụn xương và các mô cấu trúc khác… Chất đạm còn cần thiết trong việc sản xuất các kháng thể để chống lại các bệnh nhiễm trùng; các hormon và các enzyme phối hợp và điều chỉnh các chức năng của cơ thể và hoạt động thần kinh cơ.

Chất đạm trong thực phẩm là nguồn cung cấp acid amin cho cơ thể. Những thực phẩm từ nguồn gốc động vật (thịt, cá, trứng, sữa, phomat…) cung cấp cho VĐV những acid amin thiết yếu, là những acid amin mà cơ thể không tổng hợp được. Những thức ăn từ thực vật như các loại đậu đỗ, đậu phộng, ngũ cốc, bánh mì, mì nui… là những nguồn đạm quan trọng nhưng đa số các chất đạm thực vật bị thiếu một số acid amin thiết yếu. Do đó sự phối hợp các thực phẩm từ nguồn gốc động vật và thực vật bảo đảm đáp ứng đủ nhu cầu về acid amin thiết yếu cũng như các chất dinh dưỡng khác.

Nhu cầu chất đạm trong thể thao

Nhu cầu chất đạm được xây dựng dựa trên nhu cầu căn bản hàng ngày cho sự tăng trưởng, đảm bảo cho các hoạt động bình thường và sửa chữa tất cả các mô của cơ thể. Nhu cầu chất đạm nên chiếm 12 - 15% nhu cầu năng lượng, trung bình 1,2 - 1,8g protein/kg cân nặng. Kể cả VĐV thể hình cần tăng khối cơ, tối đa cũng không nên quá 2g protein/kg trọng lượng.

Việc thừa chất đạm so với nhu cầu sẽ làm dư thừa năng lượng và nguy cơ chuyển thành mỡ dự trữ, không những không làm tăng thành tích của VĐV, chất đạm dư thừa trong khẩu phần còn làm tăng gánh cho hoạt động của thận, tăng đào thải các chất khoáng như canxi, không tốt cho cơ thể.
Các VĐV nên ăn đa dạng các loại thực phẩm, mỗi ngày nên ăn trên 20 loại thực phẩm khác nhau, ăn cả thực phẩm có nguồn gốc động vật và thực vật, nên ăn vừa đủ đạm theo khuyến cáo.

Bác sĩ CK1 TRẦN THỊ MINH NGUYỆT
Phó Chủ tịch HĐQT Công ty NutiFood

Tin cùng chuyên mục