SEA Games 32 không đưa tổ chức môn canoeing và rowing. Tuy nhiên, chủ nhà Campuchia có đưa vào tranh tài chính thức môn sailing và thuyền truyền thống. Với thuyền truyền thống (chúng ta vẫn quen gọi là thuyền rồng), thể thao Việt Nam vốn không có các tuyển thủ chèo chuyên nghiệp nên để đảm bảo tốt nhất chuyên môn thì nhiều tuyển thủ của canoeing được chuyển sang tập luyện để có được sự chuẩn bị chu đáo hướng tới tranh tài tại Campuchia.
Tay chèo canoeing Nguyễn Thị Hương là thành viên chính thức của đội thuyền rồng Việt Nam tại SEA Games 32 này. “Hiện tại, các tuyển thủ đang tập luyện tại Hải Phòng. Chúng tôi có sự chuẩn bị kỹ lưỡng về đua thuyền truyền thống và đây là lần đầu tiên chúng ta dự môn này tại SEA Games nên cũng rất thận trọng. Khi tới Campuchia, chúng ta sẽ thuê thuyền rồng do ban tổ chức cung cấp cho các quốc gia góp mặt thi đấu nội dung này”, phụ trách bộ môn đua thuyền (Tổng cục TDTT) – bà Dương Thị Hồng Hạnh đã trao đổi.
5 tấm HCV mà Nguyễn Thị Hương giành được tại SEA Games 31 là một trong những kết quả ấn tượng nhất mà thể thao Việt Nam có được ở đấu trường này vào năm ngoái trên sân nhà. Sau SEA Games 31, cô gái của thể thao Vĩnh Phúc này đã vinh dự được UBND tỉnh Vĩnh Phúc khen thưởng tặng bằng khen cũng như được Chủ tịch nước tặng Huân chương lao động hạng Nhì cho kết quả trên. Hương từng bày tỏ “đó là một vinh dự cho tôi và gia đình cũng như các tuyển thủ chèo thuyền”. Còn nhớ ở SEA Games 31, Nguyễn Thị Hương được thỏa sức thể hiện hết khả năng trong ba nội dung cá nhân và hai nội dung đồng đội ở cự ly 1000m, 500m, 200m rồi giành được 5 tấm HCV quý giá. “Tôi may mắn có được năm lần đứng trên bục cao nhất và mình hướng về lá quốc kỳ hát vang quốc ca mỗi khi ban tổ chức trao thưởng. Cảm xúc là rất khó tả và tôi thật trân trọng những kết quả của tất cả các thành viên đội tuyển canoeing giành được, không chỉ của riêng tôi”, Nguyễn Thị Hương khiêm tốn từng chia sẻ.
Năm nay, cô gái của vùng quê Đôn Nhân, Sông Lô (Vĩnh Phúc) này tưởng như đã vắng mặt tại SEA Games 32 khi quốc gia chủ nhà Campuchia không đưa canoeing vào thi đấu chính thức. Tuy nhiên, việc có mặt trong đội hình của đua thuyền truyền thống (thuyền rồng) vẫn cần sự chuẩn bị chuyên môn kỹ lưỡng nhất và Nguyễn Thị Hương cùng đồng đội đang tập luyện hết sức tập trung. Vùng quê Sông Lô của mảnh đất Vĩnh Phúc, Phú Thọ đã quá quen thuộc với những lễ hội bơi chải truyền thống.
Dù vậy, để có được một kỹ thuật tốt nhất và thi đấu tranh tài chuyên nghiệp, tất cả phải tập luyện để đảm bảo từ sự phối hợp nhuần nhuyễn của các tay chèo trên thuyền cho tới sự chỉ huy chung để hướng tới đạt tốc độ cao nhất. Tương tự các môn khác của đua thuyền, nội dung đua thuyền truyền thống của SEA Games 32 tranh tài theo các nhóm cự ly do thế Nguyễn Thị Hương và các đồng đội được bố trí theo đội hình của ban huấn luyện.
Nhiều người từng trêu đùa rằng, nếu còn theo nghiệp cũ, có thể Nguyễn Thị Hương đã là một đô vật thành danh ở làng thể thao. Thế nhưng khi chuyển sang đua thuyền, với tố chất thể thao và có sức khỏe thì cô đang là một trong những tay chèo tốt của đội canoeing Việt Nam.
Nguyễn Thị Hương từng được tỉnh Vĩnh Phúc vinh danh, trao thưởng sau thi đấu SEA Games 31. Ảnh: MINH MINH |
Hiện lúc này tất cả thông tin về đội đua thuyền truyền thống đang được giữ kín để các tuyển thủ có sự chuẩn bị tĩnh tâm nhất trước khi tới Campuchia thi đấu. Mục tiêu của đua thuyền truyền thống Việt Nam là phấn đấu giành huy chương. Nhưng chắc chắn, việc có Nguyễn Thị Hương và nhiều tuyển thủ tốt từ canoeing chuyển sang thì chúng ta sẽ nhắm định được thành tích ở nội dung theo cự ly cụ thể tại SEA Games 32 này.