Giải đơn nam US Open 2011

Người Mỹ trắng tay

Roddick... im re
Người Mỹ trắng tay

Thế là, 2 đại diện cuối cùng của người Mỹ - “cựu vương” Andy Roddick và “sát thủ giao bóng” John Isner - đã đồng loạt rời khỏi cuộc chơi ở US Open năm nay. Màn trình diễn được đánh giá là xuất sắc nhất của quần vợt nam nước Mỹ tại Grand Slam trên sân nhà kể từ năm 2003 cho đến nay cuối cùng lại có một kết cục… “không hề có hậu” (nên nhớ, ở US Open 2003, có 2/4 đại diện lọt đến vòng 4 của người Mỹ sau đó đã tiếp tục lọt đến bán kết, tiếp sau đó, có 1 đại diện lọt đến trận chung kết và đăng quang - đó là Andy Roddick). Không còn người Mỹ nào tồn tại ở tốp “tứ hùng”, thay vào đó, tất cả đều là “tứ đại gia của ATP”. Ngôi vô địch lại một lần nữa lảng tránh những người Mỹ, nhưng quan trọng hơn, dù đã tìm ra “tứ đại danh bộ” ở Flushing Meadows, người Mỹ vẫn thừa hiểu trình độ của cả 4 người này vẫn còn dưới tốp “tứ đại gia” một bậc, thậm chí… hơn!

Andy Roddick chỉ biết cười trừ khi Rafael Nadal chiếm ưu thế hoàn toàn trên sân đấu.

Andy Roddick chỉ biết cười trừ khi Rafael Nadal chiếm ưu thế hoàn toàn trên sân đấu.

Roddick... im re

Trước một Rafael Nadal quá đỗi mạnh mẽ và sung mãn, Andy Roddick đã im re, hầu như không còn là chính mình - so với những gì mà anh từng thể hiện ở các vòng đấu trước đó. Nhập cuộc rất chậm, cựu số 1 thế giới - cựu số 1 nước Mỹ đã nhanh chóng để thua 2 break-point và để cho đối thủ người Tây Ban Nha vượt lên dẫn đến 4/0. Sau đó, anh đã nhanh chóng chấp nhận “mất” ván đầu tiên với điểm số 2/6. Roddick liên tiếp tuột dốc không phanh, để thua luôn ván thứ 2 với điểm số 1/6 và cuối cùng “đánh mất” luôn ván thứ 3 với điểm số 3/6. Kiệt sức là lý do chủ yếu để Roddick biện minh cho trận đấu im re của mình: “Tôi đã không có đủ thời gian để tập luyện trong mùa hè này. Vì thế, việc phải trải qua trận đấu kéo dài 4 ván với David Ferrer hôm qua đã ngốn của tôi rất nhiều thể lực, khiến tôi cảm giác giống như mình đã trải qua đến 6 ván đấu vậy”.

Quả thật, trong suốt trận đấu, dù không phải di chuyển quá nhiều - vì Nadal đã chiếm lĩnh toàn bộ thế trận rồi còn đâu - Roddick vẫn cần bác sĩ và nhân viên y tế vào chăm sóc cho đôi chân mỏi mệt của mình đến 2 lần. Cũng dễ hiểu thôi, Roddick vốn không chắc sẽ tham gia US Open 2011 vì các vấn đề về sức khỏe và anh chỉ quyết định hiện diện vào giờ chót. Ở đây, từ vị thế không nhận được quá nhiều chú ý - vì dư luận tốn thời gian bận tâm vào việc tán dương Mardy Fish (tay vợt số 1 nước Mỹ đầu tiên không phải là… Roddick kể từ năm 2003 cho đến nay) - Roddick bắt đầu khiến người ta tái tin tưởng vào khả năng của anh. Nhưng cuối cùng, khi đã “lực bất tòng tâm”, Roddick đành phải thừa nhận: “Có cả một tổ hợp rất nhiều thứ không thể hoạt động suôn sẻ ở trong ngày hôm nay. Và đương nhiên là, Nadal đã sớm kiểm soát được toàn bộ thế trận ngay từ rất sớm”.

Isner - giao bóng và... chấm hết

Trong trận đấu với Andy Murray, giao bóng hầu như là thứ vũ khí lợi hại duy nhất của John Isner. Anh đã tung ra tổng cộng 17 cú giao bóng ăn điểm trực tiếp – trong đó có cú giao bóng đạt tốc độ lên đến 224 km/giờ. Trước một tay vợt nhanh nhẹn như Murray, to cao hóa ra lại là một… bất lợi với Isner, khiến anh xoay sở khá chậm và thường xuyên thua điểm bởi các cú đánh bóng hỏng trong tình thế bị đối phương dồn ép, hoặc chấp nhận thua điểm trực tiếp khi đối phương mồi bóng ra hai nách biên. Khả năng trả giao bóng của Isner cũng rất kém, đó là lý do anh chỉ tận dụng được 1/6 cơ hội thắng break-point và đó là lý do để Murray tạo ra sự khác biệt dù anh này cũng chỉ tận dụng được 2 cơ hội. Thế là, dù đã sở hữu đến 94 cú giao bóng ăn điểm trực tiếp (đứng đầu danh sách giao bóng trong giải đấu này), Isner vẫn đành chấp nhận thua cuộc với điểm số là 5/7, 4/6, 6/3, 6/7 (2-7).

Đỗ Hoàng


  • Murray thích trận chung kết diễn ra vào Chủ nhật hơn

Bất chấp việc BTC US Open 2011 đã thông báo dời trận chung kết đơn nam ở giải đấu vào năm nay sang hôm thứ hai đầu tuần sau (hôm 12-9), tay vợt hạng 4 thế giới người Scotland - Andy Murray - vẫn thích có trận chung kết vào hôm chủ nhật 11-9 hơn. Anh nói sau khi hạ John Isner: “Tôi không hề dính dáng vào cái quyết định dời trận chung kết đơn nam sang hôm 12-9. Tôi không hề nói với bất kỳ ai về chuyện này. Tôi luôn luôn thích việc họ để yên mọi thứ, để cho trận chung kết vẫn diễn ra vào chủ nhật như bình thường, bởi vì các chàng trai đều thích có một kỳ Grand Slam bình thường, không quá khác biệt. Các bạn biết đó, họ luôn thích có một ngày chơi, rồi có một ngày nghỉ, kể từ vòng đấu tứ kết trở đi!”. Tất nhiên, nếu Murray không thể vượt qua trận bán kết trước Rafael Nadal để giành vé vào chung kết, mọi thích thú, mọi quan điểm của anh sẽ trở nên lãng nhách.

Đ.Hg.

Tin cùng chuyên mục