Lời bào chữa thường xuyên của HLV Erik ten Hag về các vấn đề chấn thương cũng “lầy lội” và cũ nát như mái che bị dột của Old Trafford, và nó không thể giải thích được tại sao Man United giờ đâm ra thê thảm đến vậy.
Tờ Independent (Anh) viết: “Sự ô nhục cuối cùng xảy ra sau tiếng còi mãn cuộc, mái nhà bị dột nổi tiếng của Old Trafford tạo thành một thác nước. Nhà hát của những giấc mơ đã trở thành nhà hát của những kẻ ướt sũng. Tuy nhiên, Manchester United là một câu lạc bộ mà mọi thứ có thể sụp đổ nhanh chóng: vận may, danh tiếng, giá trị cầu thủ. Một đội đã tụt hạng xuống vị trí thứ tám, tất nhiên là có kết quả tệ nhất ở Premier League”
Ngay cả David Moyes cũng đưa đội đứng ở vị trí thứ bảy trước khi ra đi, Ralf Rangnick ở vị trí thứ sáu. Đối với Erik ten Hag, rõ ràng là mọi thứ còn có thể tệ hơn. Người có thể hể hả nói về những thành tích chưa từng có ở Old Trafford là HLV của đội bên kia, Mikel Arteta. “Đó là 27 trận thắng ở Premier League trong một mùa, thành tích cao nhất trong lịch sử CLB này”, ông nói sau trận thắng hiếm hoi của Arsenal tại Old Trafford. “Đó không chỉ là sự tiến bộ, đó là lịch sử.”
Đối với Ten Hag, lịch sử hoàn toàn ngược lại. Mái nhà bị lỗi của Man United có thể mang lại nhiều ẩn dụ nhưng các con số thì không biết nói dối: Man United đang có 54 điểm; trừ khi họ có thêm ít nhất bốn điểm nữa từ hai trận còn lại, nếu không đây sẽ là số điểm thấp nhất của họ trong kỷ nguyên Premier League. Còn nếu để thủng lưới thêm 2 bàn nữa và đây sẽ là bàn thua nhiều nhất của họ trong một mùa. Hiện tại, hàng thủ của họ đã bị chọc thủng 82 lần trên mọi đấu trường, nhiều nhất trong 53 mùa giải gần nhất. Man United đang trên đường kết thúc một mùa giải đấu với hiệu số bàn thắng bại tệ nhất kể từ năm 1973-74, thời điểm mà họ xuống hạng. Họ đã phải chịu nhiều trận thua nhất trên sân nhà kể từ lần xuống hạng đó. Trong 4 giải đấu họ tham gia mùa này, họ đã thua 19 trận. Họ chưa từng bị đánh bại trong 20 trận trong một mùa, cũng kể từ cái năm xuống hạng tồi tệ đó.
Lời giải thích thường trực của Ten Hag nằm ở danh sách chấn thương. Ông ta ví von là đang bơi với đôi tay bị trói, cứ phải ngóc đầu … để mà thở. Nhưng nếu việc giữ đầu trên mặt nước là điều khó khăn hơn đối với bất kỳ ai để tránh bị ướt ở dưới mái che Old Trafford, nếu bàn thắng của Arsenal xuất phát từ sai lầm của một tiền vệ bị bố trí đá trung vệ, quá khứ của Man United có thể phủ nhận lập luận này. Trong những đợt khủng hoảng chấn thương, Sir Alex Ferguson vẫn sử dụng Michael Carrick, Darren Fletcher và Roy Keane ở vị trí trung vệ. Những chấn thương chưa bao giờ tạo ra một mùa giải hỗn loạn như vậy.
Kể từ khi Sir Alex Ferguson nghỉ hưu, Man United không thiếu những chiến dịch đáng thất vọng, nhưng việc tập hợp những chiến dịch tồi tệ nhất vào chung một mùa thì chắc chẳng ai làm tốt hơn HLV Ten Hag. Đó là sự thất bại trong việc lập kế hoạch về khía cạnh chuyên môn khiến cho Man United giống như một nơi tập sút của các đối thủ. Đó là sự thất bại trong tuyển dụng trong hai mùa hè: Sự sa sút không đáng có của Casemiro trị giá 63 triệu bảng, chi phí cắt cổ và hiệu quả tối thiểu của Antony trị giá 85 triệu bảng. Người được hưởng lợi duy nhất từ câu chuyện thời Ten Hag là Borussia Dortmund khi mượn Sancho.
Vấn đề con người còn có thể giải thích, chứ tinh thần chẳng có cái gì giống một Man United huyền thoại thì quá rõ ràng. Đội hình rời rạc, chiến thuật hỗn loạn, lời lẽ ảo tưởng. Man United đã mất rất nhiều vị thế của mình: hầu như thua mọi đội ở giữa bảng và chỉ thắng trên sân khách ở 1 trong 10 đội thuộc top 10.
Old Trafford từng là “Nhà hát của những giấc mơ” nhưng giờ nó là của HLV Arteta : “Chúng tôi muốn mở chiếc hộp ước mơ vô địch”. Còn với ông chủ mới Jim Ratcliffe, thì cảnh tượng thác nước đổ xuống từ mái che là biểu tượng cho thách thức mà ông phải đối mặt. Nó không chỉ là chuyện bỏ ra 1 tỷ bảng để nâng cấp hay 2 tỷ bảng để làm mới hoàn toàn Old Trafford mà công ty của ông đang dự kiến, mà là các quyết định về số phận những con người tại Man United. Có lẽ mái che sẽ được vá lại bằng tiền, nhưng vấn đề của triều đại của Ten Hag thì đâu đơn giản