Tròn 10 năm trước, Bùi Thị Thu Thảo đã có tấm huy chương đầu tiên tại kỳ SEA Games năm 2013 ở Myanmar khi đạt thông số 6m14 và có HCĐ.
Sau ngần ấy thời gian, cô gái từng được mệnh danh là người có cú nhảy xa nhất Việt Nam tiếp tục dự SEA Games 32 tại Campuchia và tiếp tục giành huy chương tại chiều thi đấu 10-5. Nhiều người chờ đợi Bùi Thị Thu Thảo sẽ giành kết quả HCV nhưng chung cuộc, qua 6 lần nhảy, cô đạt kết quả tốt nhất là 6m13 và giành tấm HCB trên đất Campuchia. Thật hữu ý, người chiến thắng Bùi Thị Thu Thảo là đối thủ quen thuộc người Indonesia Maria Londa (6m28).
Qua quãng thời gian thi đấu ngần ấy thời gian, Bùi Thị Thu Thảo đã là một biểu tượng của nội dung nhảy xa ở điền kinh Việt Nam trên mọi đấu trường. Cô từng giành HCV tại SEA Games năm 2017 ở Malaysia (thành tích 6m68). Rồi ở SEA Games 31 trên sân nhà, Bùi Thị Thu Thảo vẫn có được tấm HCB với thông số 6m38.
Dù thực tế, thành tích đáng ghi nhận nhất của cô là HCV tại ASIAD 18-2018 cách đây 5 năm. Trên sân vận động Morodok Techo ở thủ đô Phnom Penh (Campuchia), Bùi Thị Thu Thảo trải lòng sau kết quả chung cuộc của nhảy xa nữ “tôi bị mất cảm giác khi vào đà, không luyện tập thường xuyên nên không chạy được và tôi chưa có cảm giác tốt. Tôi gặp vấn đề đau chân nên dù mình luôn duy trì được trong khoảng 6m30 thì vẫn chưa thể đạt được sự tốt nhất về chuyên môn khi đấu lần này. Tôi đã tập rất tốt, nhưng khi thời tiết bắt đầu nhiệt độ cao và có nắng rồi bản thân gặp vấn đề đau chân nên trước một tháng khi dự SEA Games 32, tôi ít tập được mà chỉ duy trì thể lực. Sát ngày tranh tài, tôi có buổi tập chạy đà nhưng do đau chân nên không quá mạo hiểm. Vì thế, việc vào đà chưa phù hợp vẫn khiến tôi bị phạm lỗi trong một số lần nhảy”.
Năm 2019, Bùi Thị Thu Thảo gần như không tập luyện bởi cô lên thiên chức làm mẹ. Đó là quãng thời gian nhà vô địch SEA Games, vô địch châu Á 2018 và vô địch ASIAD 2018 của nội dung nhảy xa nữ vắng mặt hoàn toàn trong các giải đấu. Thế nhưng từ năm 2021, Bùi Thị Thu Thảo đã có sự trở lại rồi tiếp tục được tạo điều kiện tập luyện cùng đồng đội ở đội tuyển quốc gia.
Người quen của Thảo vẫn gọi cô là Thảo “bò vàng” bởi đó là cái tên tục mà người trong giới điền kinh nói về cô bởi gắn liền cùng vùng quê Ba Vì (Hà Nội) mà nữ tuyển thủ này được sinh ra, trưởng thành. Từ SEA Games 31 tới SEA Games 32, Bùi Thị Thu Thảo rất nỗ lực tập luyện. Nhìn cách HLV Nguyễn Mạnh Hiếu của đội tuyển điền kinh Việt Nam chỉ đạo trực tiếp sau mỗi lượt nhảy ở hố nhảy xa tại SEA Games 32 đối với Thảo “bò vàng” để thấy, đội tuyển điền kinh Việt Nam chờ đợi cô làm nên chuyện tại Campuchia lần này. HCB đối với Thảo lúc này là một kết quả phù hợp cũng như hài lòng.
Bùi Thị Thu Thảo vào đà chuẩn bị dậm nhảy để đạt thành tích của mình tại SEA Games 32. Ảnh: DŨNG PHƯƠNG |
Người làm điền kinh chuyên nghiệp luôn đặt câu hỏi, sau Bùi Thị Thu Thảo sẽ là ai. Chúng ta từng có Vũ Thị Ngọc Hà là tuyển thủ từng xếp nhất tại SEA Games 31 hay Bùi Thị Loan ở SEA Games 32 (giành HCĐ với kết quả 6m02). Họ là những tuyển thủ có triển vọng. Một phần tiếc khi Ngọc Hà dính vào án doping của SEA Games 31 nên rất có thể cô sẽ không còn động lực theo đuổi sự nghiệp trong khi Bùi Thị Loan còn quá trẻ. Vì lẽ đó, Bùi Thị Thu Thảo vẫn đang là đầu tàu của nội dung nhảy xa nữ.
Tất cả nhìn nhận, Thảo còn khả năng vào đà và bật nhảy để đạt thành tích tốt hơn mức nhảy 6m30 nếu cô có độ sung sức nhất. Hơn 10 năm dự liên tiếp các kỳ SEA Games, Bùi Thị Thu Thảo chắc chắn là gương mặt đáng nhớ nhất của đội tuyển điền kinh Việt Nam. Bùi Thị Thu Thảo hiện đang là tuyển thủ thuộc thể thao Hà Nội. Nhìn vào lịch sử, Thảo là một trong số ít tuyển thủ điền kinh Việt Nam giành được HCV giải vô địch châu Á lẫn HCV ASIAD. Đáng kể, nội dung nhảy xa nữ của cô là nội dung có độ khó và gần như tuyển thủ ít được cơ hội tập huấn, cọ xát do quá ít giải. Thế nên, tấm HCB tại SEA Games 32 của Thảo “bò vàng” là một kết quả đáng trân trọng và người làm chuyên môn vẫn có lời cảm ơn tới sự cống hiến thành tích của nữ tuyển thủ này.