Sự hồi sinh của hàng thủ 3 người

Mô hình 3-4-3 của Barca

Mô hình 3-4-3 của Barca

Dù là có hay không có nét mới mỗi khi bộ phận chuyên môn của UEFA hoặc FIFA tổng kết vấn đề chiến thuật ở các giải lớn, luôn có một điều được xem là bất di bất dịch trong bóng đá hiện đại: các đội mạnh phải dùng hàng thủ 4 người trong các trận đấu quan trọng. Phải phòng thủ với 4 hậu vệ thì mới an toàn. Mặt khác, cũng chỉ phòng thủ với 4 hậu vệ để còn đủ người cho các vị trí tấn công, bởi ai cũng thấy, ghi bàn trong bóng đá đỉnh cao là điều rất khó. Nhưng gần đây, đã có khá nhiều chi tiết điển hình cho thấy hàng thủ 3 người đang hồi sinh trong bóng đá đỉnh cao.

Barca tái sinh lại hàng phòng ngự 3 người với Pique, Busquets và Mascherano.

Barca tái sinh lại hàng phòng ngự 3 người với Pique, Busquets và Mascherano.

Villarreal mà lại phòng thủ với 3 hậu vệ thì đấy chắc chắn sẽ là chi tiết để giới quan sát mô xẻ như một sai lầm chiến thuật. Ngược lại, nếu như Barcelona lừng lẫy danh tiếng phòng thủ với 3 hậu vệ? Đấy lại là chuyện khác. Vì Barcelona là ĐKVĐ của cả Champions League lẫn La Liga, là tác giả của kỳ tích “ăn 6” hồi năm 2009, nên bất kể họ đá kiểu gì thì đấy cũng là bài học để giới chuyên môn nghiên cứu. Đấy sẽ là mô hình để các đội khác dù không noi theo cũng phải tham khảo. Một thời, cách chơi hoán chuyển giữa 4-5-1 với 4-3-3 của HLV Jose Mourinho ở Chelsea được copy một cách rộng rãi trên sân cỏ Premier League, âu cũng chỉ là vấn đề trào lưu. Vậy thì, trào lưu chơi 3-4-3 liệu có phất lên khi Barcelona khởi đầu La Liga mùa này với sơ đồ như thế?

Có 2 chi tiết quan trọng. Thứ nhất, Guardiola tuy là “tín đồ” của đội hình 4-3-3 (không phải kiểu 4-3-3/4-5-1 của Mourinho), nhưng ông đã không ít lần chỉ đạo Barcelona chơi 3-4-3 trong mùa vừa qua. Lúc thắng Zaragoza 2-0 hồi tháng 10 năm ngoái, hoặc lúc thắng Rubin Kazan ở Champions League chẳng hạn. Thiệt ra, sơ đồ 3-4-3 của Barcelona trong những trận ấy là do cách di chuyển cụ thể của các cầu thủ, làm thay đổi đội hình xuất phát. Chi tiết thứ hai đáng chú ý hơn: ngay trận ra quân tại La Liga mùa này, Barcelona đã chơi với 3 hậu vệ ngay từ đội hình xuất phát, và thắng đậm Villarreal 5-0. Đã vậy, trong hàng thủ 3 người của Guardiola ở trận ấy, chỉ có 1 hậu vệ chơi đúng vị trí sở trường (Eric Abidal bên trái). Còn lại là Sergio Busquets ở giữa và Javier Mascherano bên phải.

Trước sau, Busquets và Mascherano vẫn cứ là tiền vệ trụ. Nhưng cả hai đều đã từng chơi trung vệ, riêng Busquets rất hay lùi về hàng thủ, trở thành trung vệ thứ 3 khi các hậu vệ cánh của Barcelona dâng cao. Thế nên, việc Barcelona chỉ chơi với 3 hậu vệ không phải là mới. Nét mới quan trọng chính là ở chỗ: họ chơi như vậy ngay khi khởi đầu chiến dịch bảo vệ vương miện ở La Liga mùa này, và cách chơi ấy đem lại chiến thắng đậm đà.

Điểm chung đáng kể giữa Villarreal mùa này với Zaragoza và Rubin Kazan mùa trước: họ đều dùng 1 cặp tiền đạo. Điều đó làm cho khu vực giữa sân của họ không có tình trạng dày đặc cầu thủ. Dùng 3 hậu vệ để đối phó với 2 tiền đạo, Barcelona sẽ có thêm người ở khu giữa sân để làm tốt hơn nguyên tắc trong lối chơi tiqui-taca là phải liên tục chiếm thế áp đảo ở khâu giữ bóng. Lối chơi tiqui-taca do huyền thoại Hà Lan Johan Cruyff xây dựng ở lò đào tạo trẻ của Barcelona hàng chục năm trước. Nhưng nói về quan điểm chiến thuật thì Cruyff chỉ là học trò của huyền thoại Rinus Michels. Cả Michels lẫn Cruyff đều có cùng một triết lý. Vấn đề không phải là nên dùng 3, hay 4, hay 5 hậu vệ. Đối phương có bao nhiều tiền đạo, họ sẽ đối phó bằng bấy nhiêu, cộng thêm 1 hậu vệ. 4 chống 3, hoặc 3 chống 2.

Tất nhiên, sẽ có câu hỏi trớ trêu: chẳng lẽ đối phương đá 1 tiền đạo thì Barca chỉ cần dùng 2 hậu vệ? Trên thực tế, cũng có thể nói như vậy, và đấy là trường hợp các hậu vệ cánh trong hàng thủ 4 người của Barcelona trở nên tự do, không nhất thiết phải là hậu vệ nữa. Vấn đề là cách di chuyển cụ thể. Trong làng bóng Hà Lan, có những tiền vệ cực giỏi trong cả 2 lĩnh vực: phân phối bóng ở khu giữa sân cũng như lùi về thi đấu như một trung vệ đích thực. Ronald Koeman hoặc Frank de Boer đều là mẫu cầu thủ như thế. Không phải ngẫu nhiên mà họ đều sang Barcelona thi đấu và trở thành ngôi sao.

Với sơ đồ 3-4-3, Barcelona vừa bảo đảm sự an toàn trên phần sân nhà, vừa áp đảo về khâu giữ bóng trong cuộc chiến “4 chống 4” giữa sân, từ đó thắng đậm khi bóng được chuyển đến hàng tiền đạo 3 người và hàng thủ đối phương hầu như không thể chống đỡ. Mấu chốt là ở chỗ: đội bóng của Guardiola chỉ có thể chơi như vậy khi đối phương không giỏi chơi bóng dài và bổng, cũng không có mẫu tiền đạo cao kều để tận dụng các pha “không chiến”, kiểu Jan Koller. Đối phương chơi 2 tiền đạo, mà lại phải đưa bóng đến hàng tiền đạo bằng những đường chuyền sệt, thì Barcelona yên tâm hoàn toàn, bởi không ai hơn họ ở khâu chuyền bóng. Vấn đề đặt ra: các đội khác, nếu không phải là “bậc thầy chuyền bóng”, có thể học hỏi cách chơi của Barcelona?

Tiểu Quyên

Tin cùng chuyên mục