Đến vòng đấu knock-out, Messi cũng vẫn dành thời gian nhiều cho việc di chuyển một cách lửng thửng trên sân. Nhưng đó là hình dáng của một mãnh thú ẩn mình, quan sát con mồi, vẽ ra các phương án trước khi anh đột ngột tăng tốc và tạo ra vũ khúc Tango chết chóc. Trong các bài bình luận của báo chí phương Tây, về những khoảng khắc đẹp nhất của World Cup 2022, bàn thắng của Messi vào lưới Mexico ở trận cuối vòng bảng và cú đi bóng siêu đẳng ở bán kết trước Croatia luôn được xếp đầu. Cả 2 khoảnh khắc đó, người ta nói rằng, không ai ngoài Messi có thể cùng lúc thực hiện trong cùng một giải đấu.
Cho tới trước khi đối đầu với Messi, trung vệ 20 tuổi của Croatia, Gvardiol chắc chắn là 1 trong những hậu vệ hay nhất của giải đấu. Nhưng ở phút 69 của trận bán kết, trong một khoảnh khắc siêu hạng của Messi, người đi bộ để nhận bóng, đi bộ trong những nhịp xử lý đầu tiên, đi bộ trong các động tác che bóng, xoay người, vặn sườn chuyển trụ đã đánh bại hoàn toàn chàng trai trẻ hơn anh 15 tuổi trước khi kiến tạo như đặt cho Alvarez hoàn tất cú đúp. Hãy quan sát pha bóng đó thật kỹ: Messi thi triển với cả 2 chân mình, với một trời thanh xuân được dệt bằng những vần thơ ngợi ca cuộc sống.
Thống kê từ Start Perform cho thấy, Messi đá thấp hơn gần 4,7m so với mức bình quân của anh trong 5 trận trước đó tại Qatar. Đội hình Argentina xuống thấp bao nhiêu, Messi cũng thấp như vậy. Bản đồ các điểm chạm bóng của Messi, với 41 cú chạm ở bên ngoài khu vực 1/3 sân đối phương chính là hình ảnh thu nhỏ cho một Messi hoàn toàn khác tại World Cup 2022 và cũng là thứ vũ khí lợi hại nhất để Argentina đem đến trận chung kết trước một tuyển Pháp cũng sẵn lòng… đá thấp.
Messi đi bộ, hoặc đá thấp, không phải vì anh chậm chạp ở tuổi 35 hay đã chán chường hương vị của những bàn thắng. Đó hoàn toàn là một dấu ấn chiến thuật của HLV Scaloni khi trong tay ông đang sở hữu chiếc “máy chạy” đa năng ở tuyến trên mang tên Julian Alvarez. Cả 2 bàn thắng đầu của Argentina diễn ra cùng một kiểu: bóng sẽ qua chân Messi rồi sau đó, sẽ có một đường chuyền chọc thẳng về phía khung thành đối phương và bằng một cách nào đó, Alvarez sẽ xuất hiện và tiếp cận cầu môn như một cơn lốc. Nếu ai đã từng xem Italy 90, sẽ nhớ đến các pha phất bóng theo kiểu hất chân của Maradona và tốc độ của “đứa con thần gió” Caniggia.
Chỉ tính trong trận bán kết, Alvarez có tổng cộng 66 lần tung nước rút, còn Messi có đến 31 lần nhận bóng trong trạng thái... đi bộ. Messi có thể là kiểu số 10 - đi - bộ duy nhất, nhưng không sao cả, bởi bên cạnh anh còn có 9 chiến binh và 1 chân chạy siêu tốc Alvarez. Họ đã nắm chặt tay nhau để hoàn thành ước nguyện của Maradona trên thiên đàn và để giấc mơ vô địch được nở hoa trên sa mạc.