Konta - trọng binh người Anh

Australian Open 2016

Với nhiều người, cô vẫn chỉ là một “Tay vợt số 1 Anh quốc” đầy lạ lẫm. Người ta quen nhìn thấy Heather Watson hay Laura Robson ở cái vị thế này hơn. Với BBC, cô là “Nữ hoàng Konta”. Với người Anh, cô là “trọng binh”, là “hàng thứ dữ”, là niềm tự hào của làng quần vợt Anh quốc tại Australian Open 2016. Còn đối với chính người Úc, cô chính là “món hàng hiếm” mà họ không may bỏ qua cơ hội, không thể tận dụng, để giờ đây, cô đang tỏa sáng cho nước Anh ở Grand Slam ngay trên đất Australia. Cô chính là Johanna Konta, người mà cách đây 1 năm vẫn còn là một kẻ “vô danh tiểu tốt...

Người viết nên lịch sử

Không ai kỳ vọng quá nhiều vào Konta ở đây. Tất nhiên, họ vẫn luôn đánh giá cô khá cao, họ tin rằng cô sẽ chơi nổi bật trong mùa giải năm nay, nhưng không ai dám nghĩ Konta có thể tỏa sáng sớm đến như vậy và ở một giải đấu lớn đến như vậy. Kể từ khi loại bỏ Venus Williams ngay trong trận đấu mở màn, Konta đã liên tục viết nên những chương lịch sử cho riêng bản thân mình, cho làng quần vợt Anh quốc nói chung ở đấu trường Australian Open năm nay.

Johanna Konta vui sướng khi lọt vào bán kết Australian Open lần đầu tiên trong sự nghiệp

Đầu tiên, với chiến thắng trước Venus, cô đã trở thành... tay vợt Anh duy nhất “còn sống sót” ở giải đơn nữ Australian Open. Đó cũng là trận thắng đầu tiên của Konta ở Melbourne Park. Tiếp theo, với chiến thắng trước Zheng Saisai để lọt vào vòng 3, Konta đã tạo ra thành tích tốt thứ 2 trong sự nghiệp ở đấu trường Grand Slam (trước đó, cô đã lọt đến vòng 4 US Open 2015). Rồi sau đó, với chiến thắng trước Denisa Allertova, Konta chắc chắn sẽ lọt vào tốp 40 thế giới, bất chấp kết quả sau đó. Đây cũng là lần thứ 2 trong sự nghiệp, cô lọt đến vòng 4 ở đấu trường Grand Slam. Không chịu dừng lại ở đây, Konta đã tiếp tục đánh bại Ekaterina Makarova để trở thành tay vợt nữ Anh quốc đầu tiên lọt đến tứ kết Australian Open sau 33 năm (kể từ thời của Jo Durie hồi năm 1983).

Và giờ đây, với chiến thắng mới nhất - chiến thắng có điểm số 6/4, 6/1 trước Zhang Shuai, Konta lại vạch ra một cột mốc lịch sử tiếp theo, cô đã trở thành tay vợt nữ Anh quốc đầu tiên lọt đến bán kết Australian Open kể từ năm 1977 (tiếp nối chiến tích của “tiền bối” Sue Barker). Người Anh có Murray ở giải nam, nhưng ở giải nữ, họ vẫn chờ đợi một “trọng binh” kiểu như là Konta - một “trọng binh thực thụ” - từ rất nhiều năm rồi…

Hướng đến trận đấu bán kết đối với Angelique Kerber, người đã bất ngờ loại bỏ “ứng viên số 2” Victoria Azarenka trong một trận đấu gây ngạc nhiên lớn trong dư luận, và cũng là “một trong tứ đại mỹ nhân của làng quần vợt Đức”, Konta đang hướng đến một trang sử mới, cô muốn trở thành tay vợt Anh đầu tiên lọt đến một trận chung kết ở đấu trường Grand Slam sau 33 năm. Liệu rằng, Konta có tiếp tục viết nên trang sử thành công cho chính bản thân mình???

“Đó sẽ là trận đấu đầu tiên của tôi chống lại Konta. Cô ấy là một đại biểu của tốp 10 thế giới và là một người đã giành được nhiều vinh quang khó tin, một đấu sĩ thành công và là một tay vợt thực thụ. Đơn giản, tôi chỉ cần bước ra sân đấu, chơi bóng thật sự, mang đến cho trận đấu tất cả những gì mà tôi có thể, cố gắng hết mình, hy vọng sẽ cống hiến cho đám đông khán giả một trận đấu tuyệt vời, sau đó, chúng ta hãy chờ xem mọi chuyện như thế nào”, Konta nói.

“Nước Anh là nhà của tôi”

Niềm tự hào của làng quần vợt nữ Anh quốc thực chất là một tay vợt có nguồn gốc khá phức tạp. Thật sự, cô sinh ra và lớn lên ở Sydney (Australia), nhưng lại mang trong mình dòng máu của Hungary (cha mẹ của Konta đều là người Hungary). Konta cũng thi đấu cho màu cờ sắc áo của Australia suốt từ năm 2008 (năm mà cô chính thức chuyển sang chơi chuyên nghiệp) cho đến năm 2012, khi cô chuyển đến sinh sống tại Anh - Eastbourne và xin nhập tịch Anh quốc. Trong suốt thời gian thi đấu cho Australia, cô không tạo ra được hiệu ứng gì đặc biệt, chủ yếu chỉ thi đấu ở các hệ giải 10 ngàn USD, 25 ngàn USD và 50 ngàn USD; và do vậy, khi cô quyết định chuyển sang quốc tịch Anh, người Australia vốn cũng không hề hối tiếc…

Cho đến khi Konta bắt đầu hiện ra, chói lòa. Tay vợt mà mãi đến năm 2012 mới lọt vào tốp 100 thế giới (khi đã 22 tuổi) thi đấu cực hay trong giai đoạn nửa cuối năm 2015. Từ giai đoạn giữa tháng 7 (sau khi thua Maria Sharapova ở Wimbledon) cho đến giữa tháng 10, Konta thi đấu tươi tắn như “hoa nở mùa xuân”, cô thắng 25/28 trận đấu, giành 2 danh hiệu ITF, lọt đến vòng 4 US Open sau khi thắng 3 trận đấu vòng loại, lọt đến tứ kết Wuhan Open sau khi thắng 2 trận đấu vòng loại, lọt đến vòng 4 giải đấu tại Linz sau khi thắng 3 trận đấu vòng loại. Tính cho đến thời điểm này, Konta đã thắng 30/34 trận đấu.

Và người Australia mới tiếc cô đến mức họ liên tục hỏi cô về giá trị của quần vợt Australia, về việc liệu cô có khi nào nghĩ đến chuyện quay trở lại. Nhưng Konta, dù nhận được sự ủng hộ nhiệt liệt của nhiều người Australia, vẫn khéo léo nói rằng: “Không, không may là, nhà tôi ở Anh. Những chuyện còn lại đã lâu lắm rồi, chắc phải cả thập kỷ. Vâng, nước Anh là nơi mà trái tim của tôi thuộc về”. Cô đã là “trọng binh” của nước Anh, cô đang thi đấu cho niềm tự hào Anh quốc bất chấp việc đang làm điều đó ở quê nhà cũ của mình...

Áp lực là chuyện nhỏ

“Nước Anh đang nằm cách đây hàng ngàn dặm và nằm trong một múi giờ hoàn toàn khác, trong trường hợp này, có lẽ điều đó lại tuyệt vời. Tôi nghĩ rằng, bất kỳ áp lực nào, hay bất kỳ tiếng ồn ào nào, thì chúng cũng chỉ tạo ra sức ép với tôi khi tôi cho phép những điều đó xảy ra. Cho dù bạn được đánh giá là ứng viên giành chiến thắng hay chỉ là kẻ chiếu dưới, thì rồi nó cũng nằm ngoài màn trình diễn của bạn. Tôi thật sự không nghĩ về điều này, không ở đây cũng không ở kia. Đơn giản, tôi chỉ hạnh phúc và thưởng thức những gì mà tôi đang làm, đây là chính tôi đang sống trong giấc mơ của mình. Khi còn là một đứa bé gái nhỏ xíu, tôi mơ đăng quang Grand Slam, giành ngôi số 1 thế giới. Giờ đây, giấc mơ vẫn như cũ mà thôi”, Konta tâm sự.

Hãy chờ xem “trọng binh” Konta còn mang lại những giá trị gì cho làng quần vợt nước Anh.

ĐỖ HOÀNG 

***

Giải đơn nam: Raonic đụng Murray ở bán kết

Sau một mùa giải kém thành công, Milos Raonic đang đi lại trên con đường tìm kiếm phong độ cao nhất. Với chiến thắng có điểm số 6/3, 3/6, 6/3, 6/4 trước Gael Monfils (Pháp), Raonic đã giành quyền lọt vào trận bán kết thứ 2 của Australian Open 2016. Đây là lần thứ 2 “tay súng trẻ người Canada” lọt đến bán kết đấu trường Grand Slam, lần trước là ở bán kết Wimbledon 2014. Raonic, chứ không phải Kei Nishikori hay Grigor Dimitrov, mới là người dũng cảm chứng minh rằng, anh đích thị thuộc nhóm “thế hệ kế tiếp” xếp ngay sau “nhóm bộ ngũ” gồm có Roger Federer, Rafael Nadal, Novak Djokovic, Andy Murray và Stan Wawrinka.

Milos Raonic

Đối thủ của anh ở “vòng đấu tứ hùng” chính là Murray, người cũng đã đánh bại David Ferrer sau một trận đấu tứ kết dài 4 ván đấu khác. Raonic chưa từng e sợ Murray. Trong quá khứ, anh từng đánh bại Murray 3 lần và cũng đã để thua tay vợt Scotland 3 lần. Tuy nhiên, Murray lại là người giành chiến thắng trong 2 trận đấu gần đây nhất. Sao cũng được, trước khi mùa giải 2016 diễn ra, Raonic - với sự hỗ trợ của “đại sư phụ” Carlos Moya, đã lên kế hoạch “giải giới” những đại biểu của “nhóm bộ ngũ”. Có vẻ như, anh đang rất nghiêm túc với kế hoạch của mình. Ở chung kết Brisbane International, anh đã đánh bại Federer với điểm số 6/4 và 6/4.

Mới đây nhất, ở vòng 4 Australian Open, anh cũng đã thắng Wawrinka 6/4, 6/3, 5/7, 4/6, 6/3. Raonic đang nhắm đến “cú hattrick” chiến thắng trước “nhóm bộ ngũ” trong mùa giải năm nay để tìm đường lọt vào trận chung kết Grand Slam đầu tiên trong sự nghiệp.

Đ.Hg.

Tin cùng chuyên mục