Không còn “vàng” từ Cây vợt vàng

Giải bóng bàn Cây vợt vàng 2015 vừa kết thúc tại Nhà thi đấu Nguyễn Du TPHCM tiếp tục để lại nỗi buồn trong lòng những người yêu môn banh nhựa này khi ngôi vô địch đều thuộc về các đội nước ngoài.

Đó là điều không bất ngờ bởi nhân tài làng bóng bàn Việt Nam ngày càng hiếm, đến nỗi tay vợt kỳ cựu Trần Tuấn Quỳnh nay đã 32 tuổi nhưng vẫn còn là trụ cột của tuyển Việt Nam. Vốn là giải đấu truyền thống lừng lẫy một thời, những năm gần đây Cây vợt vàng gần như đã mất hẳn tiếng tăm. Ở giai đoạn cực thịnh của giải, hầu như các tay vợt trong tốp 10 thế giới đều có mặt. Thật khó quên các pha đôi công của Mã Văn Cách (Trung Quốc) hay Jin Jung Hong (Singapore) với các đối thủ ngang tầm; hay lối đánh không lẫn vào đâu được của Trần Tuấn Anh, Nhan Vị Quân khiến tên tuổi bóng bàn Việt Nam được bạn bè kiêng nể. Khoảng chục năm trở lại đây, bóng bàn xuống dốc, tài trợ khó khăn nên giải Cây vợt vàng cũng teo tóp dần. Các nhà tổ chức cố gắng duy trì được giải đã là đáng quý.

Giải năm nay cũng không nằm ngoài xu hướng khi các đội nước ngoài tham dự có trình độ không cao. Chủ nhà tham dự với thành phần chia làm ba đội gồm tuyển Việt Nam, TPHCM và Petrosetco, nhưng các vị trí cao nhất vẫn thuộc về các đội của Hàn Quốc hay Trung Quốc. Tuyển nam Việt Nam do tay vợt Trần Tuấn Quỳnh dẫn dắt đoạt á quân SEA Games trở về và chỉ đoạt vị trí thứ ba giải lần này. Trong khi đó, các danh hiệu cá nhân cao đều không có. Một phần do “sự cố” bốn tay vợt tuyển thủ quốc gia gồm Lê Tiến Đạt, Nguyễn Anh Tú, Mai Hoàng Mỹ Trang và Nguyễn Thị Nga “bỏ giải” sớm để lên đường sang Triều Tiên dự một giải khác, các tay vợt còn lại chấp nhận nhìn đối thủ lên ngôi.

Xét về thực lực, bóng bàn Việt Nam hiện nay không khác mấy với cầu lông, trong đó khoảng cách giữa vận động viên chủ lực với thế hệ phía sau là khá lớn. Với cầu lông, một khi Tiến Minh đang đến bên kia sườn dốc thì vẫn không tìm thấy một ai thay thế. Trong khi đó, sau thế hệ vàng của bóng bàn, hiện tay vợt Tuấn Quỳnh dù tuổi cao so với bộ môn nhưng anh vẫn đảm đương vai trò dẫn dắt cho các cầu thủ trẻ mà nếu gác vợt thì chưa biết có ai thay thế. Rõ ràng công tác đầu tư, từ phát hiện tài năng, tổ chức hệ thống các giải đấu phong trào cho đến chuyên nghiệp và phát triển đỉnh cao trong thời gian qua đã không được quan tâm đúng mức. Ngành và bộ môn đã không có định hướng và đầu tư tốt thì cũng rất khó để kêu gọi xã hội hóa với một môn khá kén khán giả này.

Phải thừa nhận ban tổ chức giải Cây vợt vàng lần thứ 29 này đã cố gắng vượt qua rất nhiều khó khăn, tìm nguồn tài trợ đủ để duy trì một giải đấu truyền thống và danh giá của bóng bàn Việt Nam. Nhưng nếu cái đà này thì cố gắng và nhiệt huyết đó trong tương lai cũng khó mà duy trì mãi. Nguồn lực xã hội là không thiếu để cùng góp sức, nhưng ngành thể dục thể thao cần có chiến lược đầu tư tốt hơn mới có thể đưa bóng bàn trở lại thời vàng son trước đây ª

PHƯƠNG NAM

Tin cùng chuyên mục