Hổ phụ sinh hổ tử

Giải quần vợt năng khiếu TPHCM năm 2016

Tay vợt “nhí” vừa bước sang tuổi thứ 9 Huỳnh Trần Ngọc Nhi đã xuất sắc giành chức vô địch nội dung đơn nữ U.10 giải quần vợt năng khiếu TPHCM vừa kết thúc tại cụm sân quần vợt Phú Thọ (TPHCM). Đây là kết quả của bao nhiêu ngày đào tạo của người thầy và cũng là chính cha ruột của Ngọc Nhi - đó là tay vợt Huỳnh Phú Quí.

Huỳnh Trần Ngọc Nhi sinh ra trong một gia đình có truyền thống về quần vợt. Ngoài cha ruột là tay vợt từng được gọi vào đội tuyển quốc gia - ông Huỳnh Phú Quí (thi đấu trước thời Minh Quân), ông nội của Ngọc Nhi cũng là một HLV quần vợt. Trong khi đó, cô ruột của Ngọc Nhi chính là tay vợt nữ số 1 Việt Nam nổi tiếng trước đây Huỳnh Mai Huỳnh.

Ông Huỳnh Phú Quí và cô con gái Ngọc Nhi. Ảnh: Q.Trực

Sống trong gia đình có truyền thống về quần vợt đồng thời ba mẹ của em cũng đang kinh doanh một số sân quần vợt, Ngọc Nhi tiếp xúc với quả banh nỉ rất sớm. Trong 3 người con của Huỳnh Phú Quí hiện nay, Ngọc Nhi là người bộc lộ sớm năng khiếu về quần vợt theo hướng của gia đình. Trong khi đó, người chị của Ngọc Nhi lại chơi môn thể thao khác: Muay Thái, còn người em trai út mới 5 tuổi cũng bắt đầu tập chơi quần vợt. Có được người nối nghiệp đi theo niềm đam mê của mình, đó cũng là niềm vui nhỏ trong cuộc sống đối với tay vợt Huỳnh Phú Qúi.

Giải năng khiếu TPHCM năm nay quy tụ được 170 VĐV thi đấu ở nội dung U.10, U.12, U.14, U.16 của nam và nữ. Trong suốt quá trình thi đấu, Ban chuyên môn Liên đoàn quần vợt theo dõi sát sao và tuyển chọn được 5 tay vợt Nguyễn Minh Nhật (sinh năm 2003), Trần Tiến Thịnh (2002), Huỳnh Trần Ngọc Nhi (2006), Trương Vinh Hiển (2004), Nguyễn Quang Vinh (2005) vào tuyến năng khiếu tập trung để đào tạo thành VĐV đỉnh cao. Bà Nguyễn Thị Kiều Mỹ - Tổng Thư ký Liên đoàn quần vợt TPHCM cho biết: “Trong những năm gần đây, độ tuổi chơi quần vợt càng trẻ hóa nên thu hút nhiều VĐV. Không chỉ thu hút về số lượng mà chất lượng cũng tăng khi các em được đào tạo kỹ thuật cơ bản tốt. Trong những ngày qua, Ban chuyên môn chúng tôi đã tìm ra một số tay vợt trẻ tiềm năng có thể hình, có cú đánh tốt để phát triển trong tương lai vào tuyến năng khiếu tập trung. Có thể các em này không nhất thiết phải có thứ hạng cao. Chúng tôi sẽ đầu tư và nâng cao khối lượng tập luyện của các em từng bước hướng các em vào con đường quần vợt chuyên nghiệp. Thế nhưng, một số gia đình hiện nay có con em chơi quần vợt rất tốt nhưng lại không muốn cho con mình theo nghiệp thể thao. Họ chỉ muốn con em mình chú trọng việc học tập nên tìm ra một tay vợt đào tạo chuyên nghiệp là rất khó khăn”.

GIA MẪN

Tin cùng chuyên mục