Bắn súng Việt Nam năm 2016 tạo dấu ấn lịch sử với tấm huy chương vàng (HCV) Olympic 2016 ở Rio de Janeiro, Brazil. Mọi chia sẻ, hình ảnh được nhắc nhiều về xạ thủ Hoàng Xuân Vinh. Ở mặt nào đó, thành công của người hùng này có phần nhờ chuyên gia và nữ HLV trưởng Nguyễn Thị Nhung. Có lẽ, đây là lần duy nhất thể thao Việt Nam có một nữ tướng làm trưởng đoàn và giành HCV Olympic. Sau quãng thời gian bận rộn cùng Olympic, “người đàn bà thép” của bắn súng Việt Nam có dịp trò chuyện cùng SGGP Thể Thao.
Đội tuyển như gia đình
* PV: Trước khi dự Olympic, trong quá trình chuẩn bị và cả lúc chỉ đạo vận động viên (VĐV) trực tiếp thi đấu tại Rio, có khi nào chị cảm giác sẽ thất bại?
* HLV NGUYỄN THỊ NHUNG: Có chứ. Trong quá trình cùng các VĐV tập luyện rồi bước vào thi đấu, tôi từng có cảm giác này. Thật ra, tôi nghĩ khả năng chiến thắng của VĐV tại Olympic chỉ 20% hoặc cùng lắm 30%. Điều này hoàn toàn thực tế vì khả năng của VĐV mình vẫn thấp hơn người ta. Về con người, trong thi đấu chuyên môn, VĐV của mình ngang VĐV các quốc gia mạnh nhưng muốn có chiến thắng phải có thêm nhiều yếu tố. Cơ sở vật chất của mình kém, điều kiện tập luyện kém cũng như một quá trình dài đãi ngộ cho VĐV chưa cao nên xét chung, chúng ta vẫn yếu hơn đối thủ. Thêm nữa, HCV Olympic là kết quả của cả nền thể thao. Rất áp lực. Trước khi thi đấu ở Rio, huy chương Olympic là điều gì đó quá xa vời, rất khó đạt được.
* Năm 2010 tại Asian Games, Hoàng Xuân Vinh có cơ hội giành HCV nhưng thất bại phút cuối. Vậy chị từng bảo Xuân Vinh nản và muốn giải nghệ. Lúc đó, chị có nản không?
* Tôi từng nản nhiều lần chứ. Khi đã huấn luyện, VĐV là người mang lại cho mình nhiều cảm hứng nhất. Nếu VĐV cùng mình nỗ lực hăng say tập luyện thi đấu thì HLV cũng hứng khởi hơn. Nếu VĐV thất vọng do không đạt được thành tích hay như tôi cảm nhận họ chấp nhận an phận về thành tích thì mình thấy buồn. Năm 2010 là thời điểm vô cùng khó khăn. Nhưng bây giờ nghĩ lại, chính khó khăn như thế đã làm nên một Hoàng Xuân Vinh mạnh mẽ hơn của hôm nay. Nếu Xuân Vinh giành HCV Asian Games lúc đó, có thể chưa phải hay. Vẫn biết, thành tích Asian Games là đáng quý nhưng có thể khiến VĐV yên tâm vì đã đạt đỉnh cao rồi. Muốn đến được với chiến thắng bao giờ cũng phải có trải nghiệm. Tôi nghĩ, thất bại ở Asian Games là một trải nghiệm quý cho Xuân Vinh. Tôi là người luôn hướng tới cái đích cao nhất nên yêu cầu VĐV phải nỗ lực trở lại. Bây giờ, khi bắn súng Việt Nam có Xuân Vinh giành HCV Olympic, chúng tôi vẫn đặt mục tiêu có thêm huy chương tại Olympic sau. Có thể, mong sự thành công hướng về 1 xạ thủ nữ.
HLV Nguyễn Thị Nhung bên học trò Hoàng Xuân Vinh
* Mọi người biết chị là người thầy mạnh mẽ không ngại khó cả khi VĐV nản chí. Nhưng chắc HLV Nguyễn Thị Nhung luôn mạnh mẽ như vậy và không một điều gì làm chị phải sợ?
* Tôi nghĩ, cá tính của mình luôn mạnh mẽ mọi lúc mọi nơi. Tôi lại luôn che giấu sự khó khăn mình gặp phải. Người đầu tiên thấy sự khó khăn, nếu mình biểu hiện ra bên ngoài, là VĐV. Như thế, họ làm sao có tâm trạng tập luyện, thi đấu được. Tất nhiên, tôi biết, ngoài kết quả thi đấu, chúng tôi còn có phần may mắn.
* Bắn súng Việt Nam qua nhiều thời kỳ có những HLV khác nhau. Thế nhưng, chị lại là HLV trưởng nữ đầu tiên và cảm nhận ở bên ngoài là một HLV khá khắt khe. VĐV sợ HLV như thế mới chịu tập để có kết quả?
* Tôi không nghĩ như vậy. Nhiều người thầy từng huấn luyện bắn súng ở đội tuyển đều là những HLV nghiêm khắc và được VĐV kính trọng, tôn trọng trong nghề nghiệp. Hay nói vui một chút là VĐV cũng sợ các thầy từng huấn luyện đội tuyển chứ không riêng tôi. Mỗi HLV có một hướng của mình để tới đích. Tôi học hỏi được nhiều ở các thầy HLV trước và mình vạch ra cho bản thân một đích riêng công việc. Quan điểm của tôi là, ai đạt được chiến thắng cùng VĐV thì cái đích đặt ra đã thành công. Tôi nghĩ mình đã rất may mắn.
* Dù thế, báo giới luôn gọi chị là “người đàn bà thép”?
* Tôi nghĩ chắc vì mọi người thấy phụ nữ huấn luyện bắn súng và súng ống liên quan tới sự mạnh mẽ nên gọi thế. Chứ tôi thấy mình không “thép” như mọi người nghĩ. Ví dụ, tôi ở đội tuyển và làm huấn luyện bao nhiêu năm nhưng chưa đuổi một VĐV nào. Đấy là điều không phải mềm yếu nhưng các VĐV có thể thấy tôi luôn vì công việc và tận tâm cùng sự nghiệp. HLV có thể nạt rằng nếu không tập thì sẽ đuổi và trong công việc tôi có lúc nói như thế. Nhưng mình cũng chưa đuổi ai bao giờ. Tôi nghĩ mình thành công chính là nỗ lực cùng VĐV và họ tập luyện, thi đấu thấy được con đường tôi chỉ để hướng tới thành công. Tôi từng bảo bắn súng chúng ta rồi sẽ có huy chương ở Olympic 2016. Lúc đó, nhiều xạ thủ không tin. Kết quả cho thấy tôi nói không sai. Khi tôi đưa tư tưởng ấy tới các VĐV, qua nhiều lần, các em tự tin hơn và qua nhiều giải thi đấu thành công có cả may mắn nên các VĐV vững tâm hơn ở từng giải đấu. Tôi biết mình may mắn hơn so với các HLV khác về kết quả đạt được.
Đáng lẽ phải ở nhà nhiều hơn
* Nhiều người luôn tò mò về cuộc sống phía sau trường bắn của chị. Mọi người thấy chị luôn phải đi cùng VĐV trong nhiều giải. Như thế, thời gian ở nhà không nhiều?
* Mỗi lần đi xa, ngoài nhớ Hà Nội, tôi còn rất nhớ gia đình. Ngày các con còn nhỏ, tôi chăm con từng li từng tí rất cẩn thận. Bạn bè sợ chăm quá như vậy thì con mình thiếu va chạm với bên ngoài. Nên khi mình đi làm, mình cũng muốn để con mình tiếp xúc nhiều hơn và tự lập bản thân. Giai đoạn đầu có khó khăn nhưng tôi vượt qua được. Dù thế, 2 con đi học ở nước ngoài nên tôi ở nhà một mình trong một giai đoạn và khi đi huấn luyện, công tác không bị lấn cấn, phải phân chia thời gian. Bây giờ, con gái lớn của tôi đã học xong và về Việt Nam nên mình cảm giác muốn chăm con tiếp tục. Đôi lúc, tôi muốn ở nhà với con nhiều hơn so với ngày xưa. Khi tôi quyết định nhận công việc huấn luyện, các con đủ lớn nên yên tâm hơn. Nhiều lúc, tôi ân hận rằng đáng lẽ mình phải ở nhà nhiều hơn để nấu ăn cho con, chăm sóc con.
* Chị và các con khác nhau về ngành nghề. Về nhà, sau một ngày làm việc, mẹ và con có chia sẻ với nhau về thể thao không?
* Tôi ít khi mang công việc về nhà. Khi tôi đã về nhà thì chỉ còn việc gia đình, mẹ con mua sắm cùng nhau hay nấu ăn, đi chơi. Con tôi không theo nghề nhưng lại rất chú ý theo dõi qua báo đài và biết việc của mẹ. Ở gia đình tôi, tôi thường trò chuyện với con những vấn đề mà con muốn tâm sự, giãi bày. Công việc của tôi thì tôi biết mình giải quyết được nên các con không phải lo lắng cho mẹ cũng như ít khi chia sẻ. Các con tôi hiểu điều này.
| |
MINH CHIẾN (thực hiện)