Duy trì “giấc mơ chuyên nghiệp”
Những người như bầu Đức, bầu Thắng hay bầu Kiên (hiện đang vướng vòng lao lý)… tạm gọi là những người tiên phong của bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam, nhưng trên thực tế, họ vẫn chưa đi tròn con đường mà người ta kỳ vọng.
Bóng đá thời bao cấp chuyên dùng tiền nhà nước, đương nhiên chẳng có khái niệm tạo ra tiền. Trong khi đó, bản chất của bóng đá chuyên nghiệp là biến một trò chơi thành một ngành công nghiệp giải trí, tức là phải tạo ra tiền, rất nhiều tiền và dùng tiền đó để nuôi lại bóng đá. Ở đâu cũng vậy. Có xem Chelsea như một “món đồ chơi” thì ông chủ Roman Abramovich vẫn phải dần dần tạo ra một bộ máy quản trị để kiểm soát tài chính, kinh doanh kiếm lời. Man.United, Man.City có rót hàng tỷ USD mua cầu thủ thì cũng phải có doanh thu bù lại để không vướng vào luật “cân bằng tài chính”.
Gần chúng ta nhất, bóng đá Thái Lan hiện nay đã chuyển sang kinh doanh, khởi phát từ việc đầu tư các sân bóng theo chuẩn của giải ngoại hạng Anh, tăng nguồn thu truyền hình, bán từng vật phẩm lưu niệm nhỏ nhất… để thu lại tiền đầu tư.
Trong khi đó, tổng thu của Công ty VPF hiện chỉ đạt trên dưới 100 tỷ đồng, chiếm chưa đến 15% so với tổng kinh phí mà các đội bóng đã bỏ ra mỗi mùa bóng. Không có CLB nào tại Việt Nam sở hữu sân bóng đương nhiên họ không thể khai thác tiền từ những “bất động sản” luôn nằm ở vị trí đắc địa này. 50% CLB tại V-League hiện nay không thể bán quảng cáo trên ngực áo và bảng biển trên sân. Trong khi đó, quyền thương mại hình ảnh của các CLB hiện nay hãy còn khá xa vời, các quảng cáo cá nhân của cầu thủ gắn nhiều đến hình ảnh của họ trên đội tuyển quốc gia hơn là từ việc thi đấu cho CLB.
Dấu ấn thành công của bầu Hiển (Hà Nội FC) và bầu Hùng (B.Bình Dương) vẫn đậm nét dù bây giờ chỉ trong vai trò “thầm lặng” Ảnh: NGUYỄN NHÂN
Những thứ chưa được nói trên chính là điều mà người ta hy vọng các ông bầu, những doanh nhân cần làm cho bóng đá Việt Nam, bởi đơn giản nếu không có họ thì bóng đá Việt sẽ quay lại thời kỳ 20 năm trước.
Ví dụ như bầu Thắng. 10 năm trước, ông nài nỉ HLV Calisto rời Bồ Đào Nha sang Việt Nam để xây dựng mô hình CLB chuyên nghiệp, nhưng hiện nay, đội Long An đã 2 lần xuống hạng, các tuyến trẻ không đủ, trung tâm huấn luyện tại Bến Lức chưa được nâng cấp mới. Như vậy, nếu bầu Thắng bảo rằng ông sẽ rút lui, không tài trợ bóng đá nữa thì chính ông mới là người nhận thiệt hại đầu tiên: đó là không thể hoàn thành giấc mơ bóng đá chuyên nghiệp.
Các CLB phải đứng vững trên chân mình
Nếu như trước đây, nhắc đến CLB là nhắc đến ông bầu thì hiện nay, xu thế đã thay đổi. Bầu Hiển đã rút hết mọi chức vụ tại các CLB được cho là của ông từ 4 năm trước, nhưng mọi thứ vẫn đang được vận hành trơn tru. Điều này càng được chứng minh nếu chúng ta xem Quảng Nam hay SHB Đà Nẵng là các đội bóng “của bầu Hiển”, cộng với việc bao năm qua chỉ “thấy hình mà không thấy tiếng” mà vẫn ổn của bầu Hùng tại B.Bình Dương, có thể nói rằng sự đóng góp của các ông bầu nên ở vai trò thầm lặng thì tốt hơn.
Việc ra mặt, như kiểu bầu Đức, cũng có cái dở. Ví dụ như những phát ngôn của bầu Đức, dù là với tư cách cá nhân hay ở vai trò Chủ tịch CLB thì cũng tác động không nhỏ đến việc thi đấu của cầu thủ. Một lời nói “rút lui” của ông cũng khiến đội bóng mất tinh thần. Trong khi đó, nếu được vận hành như một công ty kinh doanh ổn định, việc “hắt hơi, sổ mũi” của các ông bầu cũng không ảnh hưởng lớn. Điều này cũng giống như việc kinh doanh của một tập đoàn, không thể có chuyện thay thế ông chủ tịch cũng đồng nghĩa với phá sản các công ty con.
Ban đầu làm bóng đá là để tiếp thị hoặc tận dụng ưu đãi để kinh doanh cho công ty nên các ông bầu chỉ bỏ tiền mà không quan tâm đến nguồn thu. Nhưng đã là bóng đá chuyên nghiệp, cần phải để cho các công ty bóng đá hoạt động độc lập. Xu thế này đang diễn ra một cách rộng rãi.
Chẳng hạn như Hà Nội FC đã mạnh dạn bỏ đi thương hiệu T&T trên tên của mình, qua đó ký hợp đồng tài trợ lên đến 1 triệu USD với Tập đoàn SCG của Thái Lan, chưa kể các khoản thu quảng cáo khác cũng ngót nghét cả 10 tỷ đồng. Nếu sắp đến, bầu Hiển hoàn thành việc đầu tư mới sân Hàng Đẫy và đưa vào khai thác, xem như Hà Nội T&T đã đi trọn vẹn con đường bóng đá chuyên nghiệp, có thể khai thác mọi quyền sở hữu mà mình có.
Rồi một CLB mới tinh như TPHCM, đâu có ai biết đội này thuộc “ông bầu” nào, chỉ thấy quyền Chủ tịch Lê Công Vinh làm tất tần tật từ chuyện PR để bán vé đến đầu tư hệ thống bảng quảng cáo LED mà thu tiền. Hay như Khánh Hòa, cũng đâu thấy bóng dáng ông bầu nào, vẫn “ngổ ngáo” như thường với thành tích tốt dù họ lên đá V-League cùng thời điểm với lứa Công Phượng, Xuân Trường của HA.GL.
Thế nên, dù rút hay không rút, vai trò của các ông bầu cũng đã đến hồi kết thúc để chính các CLB phải “tự sống” trên đôi chân của mình thay vì túi tiền của ông bầu.
Kỳ vọng vào sự thay đổi
Ghi nhận công lao của các ông bầu là việc phải làm, nhưng thực tế công lao ấy cũng được “trả công” tương xứng. Những người có đam mê, đóng góp nhiều như bầu Thắng, bầu Đức, bầu Hiển, bầu Hùng rõ ràng đều nhận được kết quả tốt hơn hẳn so với các ông bầu chỉ lấy bóng đá làm công cụ kinh doanh như bầu Thụy, bầu Trường… Họ nhiệt tâm làm bóng đá và họ cũng nhận được thành quả. Bóng đá Việt Nam mang ơn của họ, nhưng đồng thời cũng đã đem lại cho các ông bầu không ít điều tốt đẹp.
Nhưng để bóng đá Việt Nam phát triển, cần một thế hệ “ông bầu” mới, tức là các doanh nhân có khả năng kiếm tiền cho bóng đá chứ không phải dùng bóng đá để kiếm tiền. Đó là những người có thể biến bản quyền truyền hình thành “tiền tươi, thóc thật” chứ không chỉ là đổi quảng cáo trên truyền hình. Đó là những người có thể kết nối các CLB, xây dựng hệ thống kinh doanh riêng nhằm tạo tính bền vững, chứ không phải để các CLB chỉ là món “đồ chơi” của các ông bầu mà thích thì chơi, chán thì nghỉ. Có lẽ đây là lý do mà Công ty VPF phải thay đổi hội đồng quản trị, chấp nhận để ông Trần Anh Tú, một người hoàn toàn “tay ngang” với bóng đá sân cỏ, ngồi vào những chiếc ghế quyền lực nhất của công ty này, cũng như sắp đến, có thể ở VFF. Phải chăng, họ kỳ vọng vào sự thay đổi đến từ những “người ngoài” như ông Tú?
Tất nhiên, mọi thứ còn ở phía trước, chưa chắc thế hệ “ông bầu” mới đã thành công. Nhưng thực tế đã chứng minh, cách làm của các ông bầu thế hệ cũ như bầu Đức, bầu Thắng cũng không còn phù hợp và cũng không hề bảo đảm mọi thứ sẽ tốt hơn. Bỏ hay không bỏ bóng đá, thì đến lúc các ông bầu nên lui vào hậu trường.