Hết thời của các ông bầu bóng đá? - Bài 2: Náo loạn vì bầu

Sự có mặt của các ông bầu là xu thế không thể thay đổi. Tuy nhiên, cũng như bản chất của một nền bóng đá đang ở trình độ thấp, đóng góp của các ông bầu chưa hẳn đã đưa mọi việc theo đúng hướng. Sự thiếu thống nhất về cách làm càng khiến bóng đá Việt Nam nhiều lần hụt hẫng…
Công thức đúng, cách dùng sai
Một công thức quen thuộc được các doanh nghiệp làm bóng đá nằm lòng: Đầu tư nhanh lấy thành tích, rồi sau đó mới tính chuyện dựng nền móng. Dù là đến với bóng đá bằng đam mê hay vì lý do khác đi nữa thì bản chất của các ông bầu vẫn là người làm ăn, luôn muốn nhìn thấy lợi ích. Chưa kể, họ không thể bắt tay vào xây nền móng ngay từ đầu khi mà như chúng ta đã thấy, VFF luôn thiếu ổn định, không có sự cam kết cần thiết nên cũng không thể buộc các nhà kinh doanh phải nghĩ lâu dài.
Ban đầu, công thức này được cho là chuẩn mực. Sau 2 năm đầu tư, bầu Đức thắng liền 2 chức vô địch, bầu Thắng mất khoảng 4 năm mới vươn tới thành công, trong khi bầu Hiển mất 5 năm, riêng bầu Hùng ở Becamex chỉ mất 3 năm. Tính đến nay, đó là 4 ông bầu từng gặt hái vinh quang khi đầu tư bóng đá, cũng đồng thời là 4 ông bầu duy nhất cho đến nay còn liên quan đến bóng đá Việt Nam.
Hết thời của các ông bầu bóng đá? - Bài 2: Náo loạn vì bầu ảnh 1 So với HAGL của bầu Đức, Hà Nội (phải) của bầu Hiển được đánh giá rất thành công từ đội 1 đến các đội trẻ. Ảnh: HOÀNG MINH
Nhìn các con số ấy, ai mà không thích thú. Đấy là lý do chỉ trong khoảng thời gian từ năm 2005 đến 2010, khoảng 10 doanh nghiệp mới đã tham gia làm bóng đá, trong đó có nhiều đội bóng hoàn toàn mới (theo nghĩa không hề có truyền thống) như Navibank Sài Gòn (được cho là của ông Đặng Thành Tâm), Sài Gòn Xuân Thành (bầu Thụy), Vissai Ninh Bình (bầu Trường), Hòa Phát Hà Nội (bầu Long)… Đỉnh điểm là năm 2010, trong 14 đội đá V-League, chỉ có 3 đội bóng là còn thuộc quản lý của nhà nước. Đó cũng là năm mà người ta ước tính V-League đạt đến con số 1.000 tỷ đồng đầu tư chỉ cho 1 mùa giải.
Cũng ở thời điểm ban đầu của “công thức thành công”, mọi thứ diễn ra khá tích cực. Từ chỗ phải mất thời gian di chuyển bằng xe, các CLB đều sử dụng máy bay để đi đến sân khách. Từ lương theo biên chế cộng phụ cấp, các cầu thủ đá đội 1 V-League đều nhận không dưới 20 triệu đồng/tháng. Từ bản hợp đồng công khai đầu tiên trị giá 400 triệu đồng của Minh Phương mà Gạch Đồng Tâm thiết lập, đến năm 2010, người ta ghi nhận con số 9 tỷ đồng/3 mùa giải cho tiền đạo Quang Hải khi chuyển từ Khánh Hòa vào Navibank Sài Gòn. Áp lực phải đạt thành tích thật nhanh đã khiến cho các ông bầu không tiếc tiền mua cầu thủ, cầu vượt quá cung tạo ra sự tăng phi mã giá trị trên thị trường chuyển nhượng. Điều này bóp méo hệ thống đào tạo khi các cầu thủ được “thúc” để “ra trường” thật nhanh khi chưa được trang bị các kiến thức, kỹ năng thành công. 
Đây là lý do mà năm 2008, Việt Nam vô địch AFF Cup nhờ các cầu thủ đến từ các CLB thuộc nhóm các ông bầu “đời đầu”. Nhưng chỉ sau đó 5 năm, các đội tuyển U.23, tuyển quốc gia đều thất bại nặng nề do chất lượng tuyển thủ quá thấp, còn V-League rơi vào trạng thái hỗn loạn với đỉnh điểm là các vụ bán độ quốc tế năm 2014, 2015 ở Ninh Bình, Đồng Nai. Điều này đã chứng minh, sự có mặt của các ông bầu bên cạnh những mặt tích cực ở thời kỳ đầu tiên cũng đem đến hệ lụy xấu cho nền bóng đá.
Thiếu tầm nhìn xa 
Trong số 13 cầu thủ U.23 Việt Nam thường xuyên được HLV Park Hang-seo sử dụng tại vòng chung kết giải U.23 châu Á 2018, thật bất ngờ chỉ có 3 cầu thủ đến từ HA.GL, 1 người từ Học viện VPF… vốn được xem là những “lò” đào tạo nổi tiếng. Những con số ấy cho chúng ta thấy, thực tế là các ông bầu đã tạo ra nhiều thay đổi mang tính “cách mạng” cho môi trường bóng đá Việt Nam, nhưng khẳng định rằng họ có đóng góp lớn thì phải xem xét lại.
Vai trò của các ông bầu, tại Việt Nam lẫn trên thế giới, chủ yếu là ghi nhận ở phần đỉnh cao, nơi cần đến đồng tiền và tầm nhìn doanh nhân của họ. Việc đào tạo cầu thủ thật ra không phải nhiệm vụ của các ông bầu, bởi có hay không có họ thì các trung tâm đào tạo vẫn hoạt động. Trách nhiệm lớn nhất của các ông bầu là xây dựng V-League thật mạnh, tạo sự ổn định về lương thưởng, phát triển 3 tuyến trẻ theo đúng quy định. 
Nếu họ làm tốt  phần “đầu ra” đó, tự nhiên sẽ có nhiều trung tâm đào tạo ra đời để cung cấp lực lượng cầu thủ cho các CLB chứ không nhất thiết các CLB phải “tự cung, tự cấp”. Lấy ví dụ HA.GL của bầu Đức, sau khóa 1 và 2, hiện nay các khóa 3, 4 của học viện đều chưa đạt. Trong khi đó, lứa tốt nhất thì vẫn chưa kiếm được thành tích tốt tại V-League, số lượng cầu thủ được gọi vào tuyển quốc gia ngày càng ít, kém hơn cả SLNA. Cứ tình trạng này, những “sản phẩm” của khóa 3, 4 còn chưa chắc đã đủ cho đội 1, đừng nói đến chuyện bán cho ai. 
Trải qua 15 năm kể từ ngày xuất hiện các ông bầu đến nay, chỉ có 2 trường hợp tương đối thực hiện đúng “công thức thành công”. Đầu tiên và có lẽ tiêu biểu nhất chính là bầu Hiển. Ngay sau “hái ngọn” với chức vô địch V-League 2010 nhờ thành phần từ HLV đến cầu thủ đều “dynamo gom góp”, Hà Nội T&T đã nhanh chóng xúc tiến tìm nguồn kế thừa. Với các hình thức liên doanh, mua lại hoặc liên kết, họ tạo ra hàng loạt “lò” vệ tinh chuyên đào tạo cầu thủ để bán cho mình. Nếu đến năm 2015 mà HA.GL, Bình Dương hay Đồng Tâm Long An còn chưa có các tuyến U.17, thì từ năm 2013, Hà Nội T&T đã có đội lọt vào bán kết, rồi chung kết năm 2014. Các đội U.19, U.21 của họ đã vô địch quốc gia đến 6 lần trong khoảng thời gian 2013 đến  giờ. Thế nên, không có gì ngạc nhiên khi có đến 15 cầu thủ dưới tuổi U.23 đang khoác áo đội 1 Hà Nội FC, độc chiếm ngôi đầu V-League. Quan trọng hơn, cũng suốt thời gian đó, đội 1 của họ luôn có mặt trong tốp 3 và sở hữu 3 danh hiệu vô địch V-League.
Tương tự là Becamex Bình Dương - đội bóng thuộc sở hữu tập đoàn có vốn của nhà nước này đã 4 lần vô địch V-League và có nhiều động thái đầu tư cho các tuyến trẻ thông qua việc mời những HLV giỏi như Đặng Trần Chỉnh, Trần Minh Chiến… về làm thầy. Đó chính là cái gọi là “tầm nhìn xa” mà người ta cần thấy ở các ông bầu. 
Thế nhưng, các ví dụ như Hà Nội T&T hay B.Bình Dương là quá ít. Nó khiến cho quá trình đóng góp của các ông bầu ngày càng nhạt nhòa, giảm đi giá trị của vai trò lịch sử mà người ta kỳ vọng. Trong 14 đội V-League hiện nay, cũng chỉ thấy Hà Nội FC của bầu Hiển là thể hiện được những nét tiêu biểu của một CLB bóng đá chuyên nghiệp, bao gồm thành tích, giá trị thương mại và khả năng đóng góp tài năng. Trong khi đó, HA.GL của bầu Đức dù đang là đội bóng có sức hút lớn đối với công chúng, nhưng mô hình mà bầu Đức đang làm lại không mang nhiều yếu tố thực tế để các CLB khác bắt chước, bởi nó đẹp nhưng mong manh. 
Chính vì vậy, khi nghe bầu Đức đòi rút HA.GL ra khỏi V-League, hay bầu Thắng ngưng tài trợ cho Long An, nhiều người thở dài vì phải chứng kiến một đoạn kết không hay của kỷ nguyên các ông bầu.

Tin cùng chuyên mục