Liệu thứ bóng đá pressing tầm cao, pressing theo khối đội hình là một biến thể của total football - bóng đá tổng lực - do một người Hà Lan sáng tạo? Cái cách mà những cầu thủ đá ở cánh, sử dụng các đường xộc bóng chéo sân để tạo đột phá, phải chăng là những tinh anh rơi vãi từ đôi chân của “Thánh” Johan Cruyff thuở nào? Hãy khoan trả lời, vì cứ đợi Hà Lan phiên bản 2022 chơi hết những trận đấu của mình tại World Cup năm nay.
Lần gần nhất Hà Lan vào chung kết World Cup là năm 2010. Hình như chẳng có nhiều người nhớ đến lắm. Trận chung kết năm đó đá với Tây Ban Nha trên đất Nam Phi, đội bóng áo da cam chơi như thể đang là kẻ cùng đường, chỉ cố vung những nhát dao loạn xạ để giữ cho mình được sống trong khi Tây Ban Nha đang ở thời huy hoàng của tiki-taka với các hậu duệ của Johan Cruyff tại Barca. Hà Lan chỉ thua một bàn duy nhất, nhưng đó lại là một trong những trận cầu đáng quên của họ trong lịch sử. Đơn giản, đó không phải là một đóa Tulip mà chúng ta chờ đợi. Khác hẳn với 2 trận chung kết của thập niên 70 huy hoàng.
Hà Lan của World Cup 2022 có gì khác? Chúng ta xem bàn mở tỷ số trong trận đấu vòng 1/8 trước Mỹ. Có đến 22 đường chuyền được thực hiện trước khi Depay đặt lòng chéo góc. Đó là một pha phối hợp hoàn hảo với một nhịp độ gây choáng ngợp với bất kỳ hàng phòng ngự nào. Nó đẹp, đương nhiên. Nhưng độ tinh tế của từng đường bóng mới là thứ mà người ta chờ đợi. Vì thế mà ngay sau trận đấu, HLV Van Gaal tự tin nói rằng, đã đến lúc Hà Lan nghĩ đến chức vô địch World Cup lần đầu tiên.
Tháng 8-2021, Louis van Gaal trở lại băng ghế huấn luyện sau 5 năm tuyên bố giải nghệ. Đó là lần thứ 3 người đàn ông 72 tuổi này đứng lên nhận nhiệm vụ ở đội tuyển quốc gia. Trong cuộc họp báo đầu tiên của mình, Van Gaal nói: “Tôi nghĩ mình phải giúp bóng đá Hà Lan. Tôi nợ bóng đá Hà Lan rất nhiều, gần như là tất cả. Vị thế tôi có hiện tại là nhờ bóng đá Hà Lan. Vì vậy, tôi thấy mình cần phải làm điều này”.
Ngày Van Gaal trở lại, Hà Lan là đội bóng đang mất phương hướng. Frank de Boer vừa ra đi sau kỳ Euro 2020 thất vọng và đánh mất gần như tất cả những gì mà Ronald Koeman gầy dựng từ sau khi vắng mặt ở World Cup 2018. Áp lực khi đó với tân HLV đội tuyển Hà Lan là vô cùng lớn. Có lẽ, không còn ai khác ngoài Van Gaal phù hợp với hoàn cảnh lúc đó.
Ông nhận lời khi đang trải qua quá trình điều trị ung thư tuyến tiền liệt với 25 lần xạ trị. Và suốt quãng thời gian sau đó, gần như không đồng nghiệp hay cầu thủ nào biết câu chuyện này của Van Gaal trước khi chính ông tự mình chia sẻ nó. Đúng như biệt danh “Tulip thép” của mình, Van Gaal đã vượt qua bạo bệnh bằng ý chí sắt đá. Trong suốt cả sự nghiệp, Van Gaal luôn nổi tiếng là một vị HLV nghiêm khắc, kỷ luật và cứng rắn, một lần nữa nó được thể hiện rõ ràng nhất trong những thời điểm khốn khó của cuộc đời ông. Trong thời điểm đau đớn nhất của cuộc đời, Van Gaal nhận thấy mình còn một món nợ phải trả.
Trong đội hình hiện tại của Hà Lan là những con người khát khao thể hiện mình. Phần lớn họ chỉ lần đầu tiên tham dự World Cup, bao gồm Virgil van Dijk - trung vệ hàng đầu thế giới hiện tại. Sự mới mẻ ấy hóa ra là một ưu thế bởi suốt chiều dài lịch sử, câu chuyện đoàn kết nội bộ luôn là vấn đề của Hà Lan. Giờ thì chẳng có gì để gây ra mâu thuẫn cả, vì chẳng ai thật sự xuất sắc hơn ai. Còn người thầy của họ, thì quá đỗi khả kính và nghiêm khắc để nhận trọn vẹn sự tôn trọng.
Cố huyền thoại Rinus Michels từng nói: “Triết lý của Van Gaal nặng về cấu trúc hơn cả Cruyff”. Với Louis van Gaal, mọi thứ phải được thiết lập tỉ mỉ tới từng chi tiết nhỏ nhất để biến cả tập thể trở thành một cỗ máy trơn tru và có thể kiểm soát. Chúng ta đã thấy một Hà Lan như vậy ở bàn thắng mở tỷ số trước Mỹ, cũng như cái cách họ lùi thấp đội hình, dựng cả một chiếc xe buýt trước một đối thủ không thể xem là ngang tầm. Đấy là một Hà Lan đủ mạnh mẽ để tạo ra phong ba, đủ khiêm nhường để rắn chắc như thép và đủ mơ mộng để nghĩ đến ngôi vàng World Cup.