Giấc mộng Grand Slam

1.

Tay vợt Lý Hoàng Nam bất ngờ từ chối cơ hội dự giải Grand Slam trẻ 2014 ở Australia để tiếp tục luyện nghề cho cứng cáp. Lần đầu tiên quần vợt Việt Nam tiến đến gần đấu trường lớn thật sự, và khi Lý Hoàng Nam lắc đầu, nhiều người đã nuối tiếc…

Lý Hoàng Nam - tay vợt trẻ đầy triển vọng của quần vợt Việt Nam. Ảnh: DŨNG PHƯƠNG

Lý Hoàng Nam - tay vợt trẻ đầy triển vọng của quần vợt Việt Nam. Ảnh: DŨNG PHƯƠNG

1. HLV Trần Đức Quỳnh cho rằng, cậu học trò cưng Lý Hoàng Nam cần ông luyện thêm ít nhất một mùa nữa, thì mới mong tìm được chút tiếng tăm ở sân chơi Grand Slam trẻ thế giới - bước đệm cho những đấu trường danh giá Australia Open, US Open, Roland Garros, Wimbledon.

Không phải thầy trò họ thiếu tham vọng, mà rõ ràng việc chối bỏ cơ hội quý giá kể trên có thể coi như động lực để Lý Hoàng Nam quyết tâm rèn luyện thêm và thật sẵn sàng khi bước vào sân chơi cao hơn hiện tại. Lý Hoàng Nam còn trẻ (vừa bước sang tuổi 17), đã tạo dựng được uy danh ở sân chơi quốc nội, có lối đánh hiện đại và rất triển vọng ở tương lai. Chậm lại đôi chút để chuẩn bị cho một bước nhảy vọt thật sự, theo đánh giá của nhiều nhà chuyên môn, là điều cần thiết đối với Lý Hoàng Nam.

Đấy chính là lý do Lý Hoàng Nam và HLV Trần Đức Quỳnh liên tục từ chối cơ hội khoác áo đội tuyển quốc gia, chấp nhận bị khiển trách, để tích lũy kinh nghiệm thi đấu và rèn luyện bản lĩnh ở những giải đấu quốc tế tận Canada, Australia, Mỹ… Mục tiêu mà thầy trò họ theo đuổi cũng chính là giấc mộng của quần vợt Việt Nam: một lần được góp mặt ở đấu trường danh giá như hệ thống giải Grand Slam!

Trong lịch sử quần vợt Việt Nam từng ghi nhận có tay vợt dự giải Grand Slam cách đây tròn 60 năm. Đó là tay vợt Võ Văn Bảy thi tài cùng 1 tay vợt của Brazil tại vòng 1 đơn nam giải Roland Garros 1954. Tức là ít nhất quần vợt Việt Nam có chút gì đó để kỳ vọng trong suốt thời gian dài.

Lý Hoàng Nam hay nhiều thế hệ trước đó nữa suy cho cùng cũng đã và đang nỗ lực chuyển mình để tiếp cận gần hơn với sân chơi danh tiếng ấy. Vì bản thân là một chuyện, nếu nghiệp lớn của Lý Hoàng Nam hay bất kỳ tay vợt nào đó mà thành, quần vợt Việt Nam đương nhiên sẽ thơm lây, thăng hoa là cái chắc.

Có ai đánh thuế giấc mơ bao giờ đâu, thế nên quần vợt Việt Nam có quyền mơ mộng với tay vợt Lý Hoàng Nam vào lúc này…

2. Trước Lý Hoàng Nam, từng có lúc “tay vợt triệu đô” Nguyễn Hoàng Thiên được kỳ vọng sẽ sớm biến giấc mộng dự Grand Slam của quần vợt Việt Nam thành hiện thực. Đấy là sự kiện đáng lưu tâm, vì xưa nay chưa có vị phụ huynh nào phóng khoáng dám chi vài trăm ngàn đến cả triệu USD để mời thầy ngoại về huấn luyện cho con mình, sẵn sàng khăn gói lên đường dự những giải đấu quốc tế tốn kém để tích lũy điểm và tôi luyện bản lĩnh trận mạc.

Tay vợt Nguyễn Hoàng Thiên

Tay vợt Nguyễn Hoàng Thiên

Tiếc rằng, dù bây giờ Nguyễn Hoàng Thiên vẫn có tên trong nhóm 3 tay vợt nam hàng đầu Việt Nam, sức tiến bộ của cậu lại kém phần mạnh bạo và tạo dựng được niềm tin thật sự giống như những gì mà Lý Hoàng Nam đang chứng tỏ.

Người ta cho rằng vì còn quá trẻ để phải gánh trên vai một sức ép thành tích quá lớn, nên Nguyễn Hoàng Thiên dễ bị rơi vào trạng thái căng thẳng, bị kìm hãm trong chính cái “vòng kim cô” ấy, rất khó thoát ra để vươn lên. Lại có luồng dư luận nói tay vợt này chưa xuất chúng, nhất là về chuyên môn đến độ được tô hồng lên như thế.

Giải thích theo cách này hay cách khác thì chung quy lại cũng chỉ thêm lần nữa chứng minh cái khát vọng “đổi đời” của quần vợt Việt Nam là có thật, là đau đáu suốt nhiều tháng năm qua. Đánh mãi ở Davis Cup, Fed Cup, ở hệ thống giải vệ tinh, giải bán chuyên nghiệp… cũng nản lòng, quần vợt Việt Nam cần một cú hích thực thụ để lớn lên. Và vì thế, Lý Hoàng Nam trở thành tay vợt được gửi gắm niềm tin nhiều nhất cho giấc mộng “đổi đời” ấy.

Bước tiến của Lý Hoàng Nam là đáng kể, tương lai còn xán lạn, nhưng dứt khoát ngoài nỗ lực của bản thân, của gia đình và của nhà tài trợ Becamex, tay vợt trẻ này cần sự trợ lực từ ngành TDTT Việt Nam, từ Liên đoàn quần vợt Việt Nam trên mọi phương diện.

LÊ HÙNG

Tin cùng chuyên mục