Cơ hội nào cho những “cầu trẻ”?
Khi làng bóng đá Moldova bãi bỏ quy định giới hạn cầu thủ ngoại, cơ hội nào cho những cầu thủ trẻ Moldova chính gốc? Với những đội bóng “giàu tham vọng” như là Sheriff, cơ hội gần như là bằng “0”. Sheriff trước đây, ở các giải đấu đẳng cấp châu Âu, thường tung 9-10 cầu “lê dương” vào sân để kéo gần khoảng cách với các đội bóng mạnh khác ở phía Tây của Lục địa già. Nhưng họ vẫn chưa đủ tầm để vươn đến vòng bảng UCL.
Giờ đây, câu chuyện đã hoàn toàn khác hẳn. Việc Moldova cởi bỏ chiếc vòng kim cô, khiến đội bóng của thành phố Tiraspol có thể chiêu mộ nhiều “lính lê dương” hơn, và thực chất, họ đăng ký đến 17 cầu ngoại quốc để tham dự Champions League mùa này. “Gieo nhân, gặt quả”, cũng nhờ đó, Sheriff giành vé lọt đến vòng đấu bảng UCL lần đầu tiên trong lịch sử, và tiếp theo đó là 2 chiến thắng lịch sử trước Shakhtar và cả Real…
Giải thích cho quyết định thay đổi bộ mặt Divizia Națională (tên nhận diện quốc tế là Moldova National Division - MND), Chủ tịch LĐBĐ Moldova Leonid Oleinichenko, cho biết: “Chúng tôi đã lật lại và kiểm tra tất cả các tư liệu, và dữ liệu từ mùa giải 2012-2014, khi “chính sách” giới hạn cầu thủ U21 lần đầu tiên được áp dụng, cho đến ngày hôm nay...".
"Trong suốt 6 năm vừa qua, 180 cầu thủ trẻ dưới 21 tuổi đã kinh qua các đội bóng ở Divizia Națională. Trong số 180 cầu trẻ này, chỉ có 17 người từng được triệu tập vào đội tuyển, và 5 trong số những người này mới được góp mặt thường xuyên trong đội hình của đội tuyển quốc gia. Điều đáng lưu tâm là, không ai trong số những cầu trẻ ở Sheriff có thể duy trì phong độ khi trở thành cầu thủ trưởng thành…”.
Ảnh hưởng của việc thay đổi “chính sách”
Từ mùa giải năm nay, trong đội hình của Sheriff đã có 24 cầu “lê dương” , chiếm ưu thế áp đảo so với 2 CLB “lớn” còn lại. Milsami chỉ có đúng 1 cầu thủ ngoại quốc. Số cầu thủ nước ngoài đăng ký trong danh sách của Petrocub là… “gấp 4 lần”. Cũng vì vậy, vai trò của “lính lê dương” trong đội hình các đội bóng và ở Divizia Națională đã có nhiều thay đổi. Họ tham gia vào “cục diện chung” nhiều hơn, với 25% (trước khi hủy bỏ “chính sách” là 21,5%). Họ cũng ghi được nhiều bàn thắng hơn với 34% số bàn thắng (trước khi hủy bỏ chính sách, con số chỉ là… 25%).
Dù vậy, chẳng có gì phải sợ hãi khi nhìn vào con số này. Nó vẫn là “nhỏ bé” so với giải đấu bóng đá lớn của nước Nga. Ở RPL, dù chưa cởi bỏ luật hạn chế cầu thủ ngoại, ngay trong mùa giải năm nay, tỷ lệ cầu “lê dương” tham gia vào “cục diện chung” đã lên đến 38%. Tất nhiên, tỷ lệ này chia đều cho tất cả 16 đội bóng đang tham dự RPL, “không phân biệt sang - hèn”. Ngược lại, ở Divizia Națională, tỷ lệ đa phần chỉ tập trung vào 2 đội bóng Sheriff Tisrapol và… Balti (7 cầu ngoại).
Sao cũng được, việc cởi bỏ chính sách giới hạn, xét cho cùng cũng là động lực để phát triển theo một khía cạnh khác. Các CLB giờ đây không tự nhiên mua sắm tràn lan, họ chăm chút “đầu vào” từ ngoại quốc hơn, tìm tòi và phát hiện những tài năng chưa được khai phá thật sự. Chất lượng “lính lê dương” của Sheriff ở mùa giải năm nay là tốt nhất và không phải tự nhiên hay may mắn khi họ giành 6 điểm/2 trận đầu.
Quy tắc dành cho các cầu trẻ dưới 21 tuổi, vì thế cũng đã có những biến đổi. Các đội bóng đã không còn nghĩa vụ trả tự do cho các cầu thủ khi họ đạt độ tuổi trưởng thành, thay vào đó, Liên đoàn tăng cường các biện pháp khuyến khích các CLB giữ chân những cầu thủ này khi họ đạt độ tuổi trưởng thành. Số tiền lợi nhuận hoàn toàn có thể giúp các đội bóng “tái đầu tư” vào một số cầu trẻ triển vọng, lợi nhuận khác mua cầu ngoại…
Ví dụ như, trường hợp của CLB Dacia Buiucani (mới rớt xuống giải Hạng nhất của Moldova hồi năm ngoái). Nhờ cho các cầu thủ trẻ vào sân thi đấu với thời lượng chiếm 60% tổng thời lượng, đội bóng này nhận về 951 ngàn Leu (khoảng 46 ngàn EUR) tiền thưởng. Sheriff cũng nhận khoản khiêm tốn 47 ngàn Leu (2,3 ngàn EUR) cho sự khuyến khích này. Tất nhiên, Buiucani đã “trả giá” cho chính sách ưu tiên cầu trẻ bằng cách “xuống hạng”.
Nền bóng đá “tư nhân” và sự lắt léo để huy động tài chính
Theo quy định của LĐBĐ Moldova, một đội bóng không thể thuộc về thành phố trực thuộc trung ương và do vậy, không có ngân sách nhà nước, dù là ở cấp địa phương, cho từng đội bóng. Vì như thế, bóng đá đã trở thành một “môn thể thao tư nhân” tại quốc gia nằm giữa Ukraine và Romania. Nhưng sự thật thì, họ vẫn có thể “lách luật”, bằng cách tổ chức hoạt động như một tập thể cộng đồng để nhận ngân sách về một dự án có ích cho xã hội. Đây là điều mà Balti từng làm. Balti là đội bóng mới vừa thăng hạng MND.
Tuy nhiên, sau khi “thắng” khoản tiền và mua về một cơ số các cầu thủ “lê dương” Balti lại nhận ra họ không còn đủ ngân sách để nâng cấp SVĐ, hòng đạt đủ tiêu chuẩn để tham dự giải Divizia Națională (Balti vô địch giải Hạng nhất ngay mùa 2020-2021 với 69 điểm, hơn đội xếp thứ nhì là Cahul-2005 những 12 điểm, điều đó chứng tỏ khoản ngân sách tài trợ dự án xã hội có ích của Hội đồng thành phố Balti là hoàn toàn hữu dụng). Đến lúc này, chính LĐBĐ của Moldova lại đưa ra cánh tay nối dài của mình. Liên đoàn sẵn sàng giúp…
(còn tiếp)...