Đừng quan tâm quá muộn

Cuối năm, khi các đồng nghiệp đã nghĩ tới chuẩn bị cho giai đoạn nghỉ ngơi sau 1 năm mệt nhoài thì không ít tuyển thủ lại phải vào viện chữa trị chấn thương...

Cuối năm, khi các đồng nghiệp đã nghĩ tới chuẩn bị cho giai đoạn nghỉ ngơi sau 1 năm mệt nhoài thì không ít tuyển thủ lại phải vào viện chữa trị chấn thương...

1. Tay kiếm nổi danh Nguyễn Thị Lệ Dung đã vào bệnh viện thể thao Việt Nam. Hỏi chuyện, Dung chia sẻ cô đã nhập viện để khám đầu gối bị đau thời gian qua. Vô tình, sau khám, ngoài 2 đầu gối đau thì Dung còn bị phát hiện một số chỉ số trong máu cao hơn bình thường. Vì thế, nữ kiếm thủ này đã phải ở lại viện điều trị.

Sau Giải đấu kiếm toàn quốc 2016 (Lệ Dung không thi đấu), Lệ Dung đã chờ để được phê duyệt tìm cơ hội tới Singapore phẫu thuật chữa hồi phục chấn thương 2 đầu gối. Mới đây, tín hiệu mừng cho Dung là Tổng cục TDTT đã xem xét và duyệt cho tuyển thủ này được đi phẫu thuật. Đó điều kiện cần và khả quan trong tiến trình điều trị cho riêng Dung. Còn một điều kiện đủ nữa là kinh phí sẽ lấy từ đâu ra thực hiện. Hiện tại, bệnh viện thể thao Việt Nam sẽ chờ Tổng cục TDTT được lãnh đạo Bộ VH-TT duyệt chi phí và khi có tiền là Dung được điều trị sớm nhất có thể.

Kiếm thủ Lệ Dung (phải) đã đóng góp nhiều công sức cho thể thao Việt Nam. Ảnh: T.L

Trong chia sẻ của mình, Lệ Dung đã lạc quan hơn và khá tự tin rằng mình sẽ sớm hồi phục để ít nhất không phải chịu các cơn đau gối hành hạ nhiều tháng qua. Mới đây, Nguyễn Thị Lụa (vật) đã được phẫu thuật vùng dây chằng đầu gối lần 1 tại bệnh viện thể thao Việt Nam. Lụa còn phải chờ khoảng 3-4 tháng nữa để phẫu thuật lần 2 cho dứt điểm chấn thương vùng đau đó. Thực tế, bộ môn vật Hà Nội (đơn vị quản lý trực tiếp Nguyễn Thị Lụa) cùng ban huấn luyện đội tuyển vật Việt Nam đã phải đôn đáo để tìm mọi chi phí thì nữ đô vật nổi tiếng này mới được tiến hành phẫu thuật. Điều cần thiết nhất của VĐV là khi đã hết lòng với các nhiệm vụ quốc gia thì cũng phải được một cách đối xử tương xứng lúc bị chấn thương

2. Nguyễn Thị Lụa và Nguyễn Thị Lệ Dung là các VĐV của đoàn Việt Nam từng giành suất chính thức dự Olympic 2016. Tuy nhiên, họ và một số VĐV nổi danh trong các môn mũi nhọn khác của thể thao Hà Nội chưa được vào biên chế ngành của Sở VH-TT. Nhiều người từng đặt dấu hỏi vì sao VĐV vẫn đau đáu chờ suất biên chế đến như vậy. Chỉ người làm thể thao và người trong nghề mới hiểu.

Bởi vì, điều đó giúp VĐV yên tâm hơn về phần sau của cuộc sống. Họ sẵn sàng cống hiến hết năng lực và cả tuổi trẻ giành thành tích cho địa phương nhiều năm qua nên không thể bị bơ vơ nếu kết thúc sự nghiệp. Ngành VH-TT Hà Nội đã có danh sách khoảng 16 VĐV được đề xuất nhận suất biên chế vào ngành. Tất cả đang trong quá trình xem xét. Từng người được vào đều có sự cống hiến, đạt được thành tích nên xứng đáng có một điều ghi nhận như thế.

Dĩ nhiên, không phải VĐV nào cũng sống-chết quyết giành được 1 suất biên chế vào ngành. Họ biết, cơ hội và vận may của mình ra sao. Tuy nhiên, nếu thể thao Hà Nội không ràng buộc được VĐV, HLV, khả năng bị mất tài năng rất lớn. Nhiều đơn vị sẵn sàng chi hàng trăm triệu đồng và cả tiền tỷ để chèo kéo VĐV nổi danh và tốt chuyên môn của thủ đô về với mình. Đã có những người gật đầu. Ngược lại, rất nhiều VĐV mà chúng tôi biết (không tiện nêu tên) sẵn sàng chịu ở lại (dù thu nhập không cao). Đơn giản, họ đam mê thể thao và trọng người thầy huấn luyện mình nên không dứt lòng ra đi được.

Tuyển thủ điền kinh Nguyễn Thị Oanh của thể thao Hà Nội là một trong những trường hợp được một số Sở VH-TT-DL phía Nam chèo kéo rất mạnh mẽ mời về đầu quân bằng mức thu nhập hậu hĩnh. Tuy nhiên, Oanh là gương mặt tốt nhất nhì cự ly ngắn nên thể thao Hà Nội có những “chiêu” hợp tình thấu lý và chân chạy này không muốn rời thủ đô.

NGUYỄN ĐÌNH

Tin cùng chuyên mục