Di sản bóng đá

World Cup đã đi đến trận cuối cùng, với sự có mặt của 2 nền bóng đá hàng đầu thế giới là Pháp và Argentina. Các câu chuyện cổ tích dù rất đẹp nhưng cuối cùng, đẳng cấp và truyền thống vẫn mang tiếng nói quyết định.
Đội tuyển Việt Nam chiến thắng ở AFF Cup 2022 sẽ tiếp thêm động lực cho giấc mơ World Cup. Ảnh: DŨNG PHƯƠNG
Đội tuyển Việt Nam chiến thắng ở AFF Cup 2022 sẽ tiếp thêm động lực cho giấc mơ World Cup. Ảnh: DŨNG PHƯƠNG

1. Nhiều tờ báo ở châu Âu dùng từ “di sản” để nói về những cuộc chia tay của Luka Modric hay đội tuyển Morocco. Hành trình đi đến bán kết của họ đã quá đủ đầy cho những câu chuyện truyền cảm hứng. Một quốc gia chỉ có dân số chưa đến 4 triệu người nhưng lại vào bán kết ở 2 kỳ World Cup liên tiếp, trình làng một thế hệ cầu thủ trẻ trung tài năng. Một đội bóng Bắc Phi với nhiều cầu thủ sinh ra ở nước ngoài nhưng đã chơi thứ bóng đá quả cảm, thông minh để chế ngự các “ông lớn” một cách sòng phẳng.

Những gì ở World Cup cho thấy, con đường đạt đến đẳng cấp thế giới không phải là không thể. Nhưng mọi thứ đều phải dựa trên thực lực của các nền bóng đá. Giấc mơ có thể thành hiện thực nhưng đi kèm với nó là sự kiên trì tôi luyện, vun đắp cho trình độ và cả những yếu tố mang tính truyền thống như tinh thần quốc gia, dân tộc.

Lần cuối cùng Argentina vô địch World Cup tận năm 1986, cho dù sau Maradona họ sản sinh ra không biết bao nhiêu tài năng, tỏa sáng rực rỡ ở sân cỏ châu Âu, nhưng phải đến năm ngoái, họ mới lần đầu tiên vô địch Copa America kể từ năm 1993, qua đó tiếp sức cho Messi và đồng đội đi đến trận cuối cùng của World Cup 2022. Pháp cũng phải đến năm 1998, nhờ lợi thế sân nhà, mới vô địch World Cup lần đầu tiên dù là những người sản sinh ra giải đấu này.

Lại là một trận chung kết giữa châu Âu và Nam Mỹ, một lần nữa, là câu chuyện về đẳng cấp. Cần phải nhớ rằng, năm nay Nam Mỹ chỉ có 4 đại diện nhưng chất lượng thi đấu không hề kém đi. Argentina năm nay cũng không có đội hình nhiều ngôi sao như World Cup 2010 hay 2014, họ thậm chí còn thua Saudi Arabia ở ngày ra quân. Nhưng khi cần, đẳng cấp vẫn là yếu tố quyết định. Đội hình Pháp năm nay cũng không bằng 2018, nhưng vẫn là tập hợp của những người đang khoác áo các CLB hàng đầu châu Âu.

Công bằng mà nói, trận chung kết Pháp - Argentina vẫn đáng để chờ đợi hơn câu chuyện cổ tích Croatia - Morocco.

2. Với người hâm mộ bóng đá Việt Nam, tiếp sau World Cup là AFF Cup 2022. Dù là sân chơi nhỏ bé so với cúp thế giới, nhưng đó là khởi nguồn của ước mơ, sự tích lũy và là nơi nhìn ra giá trị bản thân bóng đá Việt Nam.

Cuộc thử sức ở vòng loại cuối cùng World Cup 2022 cho chúng ta bao nhiêu hy vọng, thì cũng giúp nhận ra bấy nhiêu giới hạn. Đá vòng loại cuối cùng, thì chưa chắc đã giành được suất. Có được dự World Cup, cũng chưa chắc tạo được dấu ấn. Để chuyển hóa từ vế thứ nhất sang vế thứ hai, có khi mất hàng chục năm. Những tấm vé vào bán kết của Hàn Quốc năm 2002 hay Morocco năm 2022 không xảy ra thường xuyên. Nhưng khi có cơ hội, thì họ đều nỗ lực để thành công, đó chính là điều quan trọng nhất.

Thế nên, việc chiến thắng AFF Cup 2022 có thể xem là sự bắt đầu cho giấc mơ World Cup. Vấn đề ở chỗ, là phải quyết tâm trong từng trận đấu, từng giải đấu và đừng bao giờ thôi hy vọng. AFF Cup 2022 là giải đấu cuối cùng mà HLV Park Hang-seo cầm quân, nó là điểm dừng hay khởi đầu, tùy vào cách hoạch định kế hoạch của các nhà quản lý.

Bóng đá Việt Nam có “thói quen”... cứ sau một triều đại HLV nào đó, lại có xu hướng “xóa đi, làm lại” thay vì tận dụng di sản những thành công trước đó. Trong khi đó, các đội bóng thành công ở World Cup 2022 đều được dẫn dắt bởi các HLV nội, gồm những người vô danh như Scaloni (Argentina) hay Regragui (Morocco), Dalic (Croatia)… Họ không phải là thầy phù thủy, chỉ là những người biết khơi dậy và tiếp nối di sản của nền bóng đá nước nhà.

Tin cùng chuyên mục