Người hâm mộ có rất nhiều định nghĩa về lòng chung thủy của các cầu thủ cho một đội bóng. Đấy là sự chung thủy đến lạc lối của Batistuta dành cho màu áo tím Fiorentina, đấy là sự chung thủy của Baresi với Milan, hay Nedved, Del Piero dành cho Juventus. Họ là những con người ở lại kể cả khi đội nhà xuống hạng.
Đấy còn là sự chung thủy của Ryan Giggs và Paul Scholes dành cho Alex Ferguson – Manchester United. Và chung thủy còn ở giọt nước mắt khi ghi bàn vào lưới Chelsea của Frank Lampard. Vậy đặt bên cạnh những trường hợp đó, ta nói gì về De Rossi đây? Nói về lòng chung thủy của anh đây?
Ở Roma, nếu Totti là Il Capitano – đội trưởng, thì De Rossi ngày xuất hiện bên cạnh Totti đã được gọi là "Capitan Futuro" – “Đội trưởng tương lai". Vấn đề là trong 12 năm từ mùa giải 2004-2005 đến mùa giải 2016-2017, khi De Rossi 21 tuổi đến khi anh 34 tuổi, thì 12 năm đó anh vẫn là “Đội trưởng tương lai”. Có “đội trưởng tương lai” nào giữ ngôi vị của mình đến năm 34 tuổi không?
Nghe chẳng khác gì chuyện Thái tử Charles, người đã 70 tuổi sắp về trời rồi mà vẫn phải làm thái tử. Nhưng không, đây là cầu thủ bóng đá, đây là người đã nhận làm “đội phó” suốt 12 năm trời, từ khi là cầu thủ trẻ mới nổi, khi là ngôi sao cả thế giới thèm muốn, đến khi bước qua sườn dốc sự nghiệp. Tất cả, vẫn chỉ là kẻ im lặng bên cạnh cái bóng của Totti. 12 năm đó, anh làm gì và được gì?
Mùa giải 2011-2012, De Rossi được cả Alex Ferguson (MU) lẫn Jose Mourinho (Real) tranh giành. Năm đó, De Rossi là một trong những tiền vệ đánh chặn hay nhất thế giới. Và năm ấy, De Rossi 29 tuổi, độ tuổi cuối cùng để anh có một hợp đồng lớn để kết thúc sự nghiệp. Cũng là độ tuổi chín nhất của anh, đẹp nhất để cháy một lần rực rỡ.
Vậy mà, anh đã từ chối cả Mourinho lẫn Ferguson. Có được mấy ai làm được điều như anh đã làm? Người ta nói mãi về cái cách mà Totti thoát được sự cám dỗ của Real Madrid, vậy ai nói với thiên hạ rằng De Rossi cũng làm được điều ấy? Anh ở lại với thành phố vĩnh hằng, với chức danh “Đội trưởng tương lai.”
Than ôi, ai nói cho họ biết thế nào là lòng chung thủy với chức danh như xát muối vào tim đó. Đã đến lúc phải định nghĩa lại cái gọi là hy sinh và chung thủy. Sự hy sinh của cái gọi là “Đội trưởng tương lai” ở tuổi 34, trong một cái nghề nghiệp cầu thủ tuổi thọ ngắn này, thực sự là quá bất nhẫn.
De Rossi như con người không gặp thời. Anh nửa chừng xuân đến lạ lùng. Anh không thuộc thế hệ “7x Italia” đẹp đến sừng sỡ, cũng không thuộc thế hệ “9x Italia” đầy hoang phế. Anh ở giữa, không thuộc nhóm của Nesta, Cannavaro, Buffon, Pirlo. Nhưng cũng chẳng ở nhóm của những Ciro Immobile, Marco Verratti hay Lorenzo Insigne. Ngôi đền của các tifosi không có anh, và thần tượng mới của các tifosi trẻ cũng chẳng có anh. Ở cái thành phố của chúa và thánh thần này, hóa ra lại có một con chiên bị đọa đầy.
Đó là khi mà Edin Dzeko kiếm được quả phạt đền cho Roma. Anh nhặt lấy trái bóng, bước về phía đội trưởng De Rossi của mình, đặt trái bóng vào tay đội trưởng và hôn một cái ở bên má. De Rossi cũng ôm lấy Dzeko và vỗ vào người như nhắn nhủ "Yên tâm". Sau đó, Rossi gánh nặng trên vai, với băng đội trưởng trên tay đã thực hiện thành công cú sút phạt đền đó. Anh đã không phụ sự gửi gắm của đồng đội. Phút giây đó, người ta nhận ra cái thứ tình cảm tương chiếu của đàn ông với nhau kiểu này, không văn học nào tả được hết.
Sự đẹp đẽ đó là khúc hành ca cuối cùng mà De Rossi hát lên cùng Roma. Nơi anh đã bắt nhịp cho Roma bước đi cho đến ngày những chấn thương thay nhau tàn phá lên đôi chân hy sinh của mình. Để cuối cùng, De Rossi dừng lại sau gần 20 năm, với hơn 600 trận đấu cho Roma, và chỉ ký đúng 2 bản hợp đồng.
Thành phố vĩnh hằng không giữ anh vĩnh viễn, nhưng cảm xúc anh để lại sẽ là vĩnh cửu.
Chân cứng đá mềm nhé, Daniele.