Điều đáng nói là đa số các cầu thủ châu Á đều đang chơi bóng ở CLB trong nước, mà nếu so sánh với bóng đá châu Âu thì chỉ tầm giải hạng hai. Điều này cho thấy, một cầu thủ đến từ những CLB hạng thấp hoàn toàn đủ sức chơi ngang ngửa với những người được xem là “World Class”, tức là đẳng cấp thế giới. Trong lịch sử bóng đá, hóa ra cũng không thiếu những trường hợp tương tự.
Năm 1982, sau scandal Totoreno, đội AC Milan bị đánh tụt hạng seria B nhưng mùa hè năm đó, những Baresi và Collovati lại cùng tuyển Italy vô địch Espana 1982, còn thành viên khác của họ là Joe Jordan lại ghi bàn cho Scotland trong trận hòa với tuyển Liên Xô hùng mạnh. Trường hợp tương tự xảy ra năm 2006, khi các thành viên của Juventus như Buffon, Canavaro, Del Piero vô địch cùng tuyển Italy trước khi xuống chơi ở Serie B vì scandal dàn xếp tỷ số. Năm 1986, Pascoli là thành viên của Argentina vô địch World Cup dù anh đá ở Serie B cùng Lecce. Năm 1994, huyền thoại tuyển Rumani là Hagi khi đó cũng đang đá Serie B trong màu áo Brescia.
Xa hơn, cầu thủ Simosson ghi bàn cho Thụy Điển trong trận chung kết với Brazil ở World Cup 1958 là một cầu thủ đá giải hạng 2 nội địa. Cũng năm đó, đội tuyển Xứ Wales có 11/22 người chơi ở hạng đấu cao nhất, thậm chí còn có 1 cầu thủ đá tận giải hạng 3. Đặc biệt nhất là trường hợp của đội tuyển Trinidad & Tobago ở World Cup 2006, khi trong đội hình có 1 cầu thủ đá tận giải hạng 4 nước Anh, một người khác đá giải hạng 5 nước Đức và 3 người chơi tại giải hạng nhì Anh. World Cup 2006 cũng có một Togo với nhiều cầu thủ đá tại các giải rất thấp ở Pháp, gồm một người còn chơi ở giải nghiệp dư (hạng 7) đó là Richmond Forson, người cả sự nghiệp chưa từng được chơi ở Ligue 2 như Nguyễn Quang Hải. Cơ hội đến với Forson khi các thành viên chủ chốt của Togo đã đình công không dự kỳ World Cup đầu tiên và duy nhất của quốc gia này nhằm đòi hỏi tiền thù lao, khiến Liên đoàn Bóng đá Togo phải triệu tập mọi cầu thủ đang chơi bóng ở nước ngoài có thể cống hiến.
Mở rộng một chút, có thêm trường hợp về những cầu thủ vốn được triệu tập vào giờ chót để dự World Cup nhưng sau đó lại tỏa sáng. Đầu tiên phải kể đến Josimar, hầu như vô danh, chưa từng khoác áo tuyển Brazil nhưng lại ghi 2 bàn cho Selecao sau khi được gọi bổ sung cho Leandro vào giờ chót để sang Mexico dự World Cup. Cầu thủ ghi nhiều bàn nhất một kỳ World Cup Just Fontaine của tuyển Pháp ở World Cup 1958 trước đó chỉ mới 2 lần khoác áo quốc gia. Thậm chí ở World Cup năm đó, Fontaine còn phải dùng giày của người khác để thi đấu. Vua phá lưới Italy 1990, Schillaci cũng chỉ có đúng 1 lần được triệu tập trước World Cup…