Với nỗ lực không ngừng trong việc góp phần nâng cao chất lượng trong chăm sóc y tế nhằm cải thiện sức khỏe cho cộng đồng, Hội Dược sĩ Bệnh viện TPHCM và Hội Dược Bệnh viện Hà Nội phối hợp Công ty Pfizer tổ chức hội thảo “Tầm quan trọng của chất lượng trong chăm sóc sức khỏe và vai trò dược sĩ” cho gần 500 dược sĩ ở Hà Nội, TPHCM và các tỉnh thành lân cận.
![]() |
Tại hội thảo, các báo cáo viên và dược sĩ tham dự cùng phân tích và thảo luận làm rõ về vai trò mang tính quyết định trong chất lượng điều trị cho bệnh nhân: Vai trò thầy thuốc/ dược sĩ; chất lượng thuốc; tuân thủ điều trị; các mô hình hợp tác và cách nâng cao chất lượng trong chăm sóc sức khỏe toàn diện cho bệnh nhân…
Hội thảo đã nhận được nhiều phản hồi tích cực từ các dược sĩ và những người tham gia. Để cải thiện chất lượng chăm sóc sức khỏe cho bệnh nhân, cần thiết phải có sự phối hợp chặt chẽ và nhịp nhàng từ nhiều phía. Thầy giỏi, thuốc hay, bệnh nhân tiếp cận được và tuân thủ điều trị là yếu tố quyết định điều trị hiệu quả.
Trong phần trình bày về “Chất lượng hệ thống y khoa châu Á- Thái Bình Dương và Việt Nam”, ThS.DS. Đỗ Văn Dũng, Phó Tổng thư ký Hội Dược học, Trưởng phòng Quản lý dược Sở Y tế TPHCM, nhấn mạnh: Chất lượng của việc chăm sóc sức khỏe có thể ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe của bệnh nhân. Để đảm bảo việc chăm sóc sức khỏe đạt chất lượng, cần có sự phối hợp chặt chẽ của Công ty dược, nhà sản xuất, nhà phân phối (phối hợp để thiết lập chuỗi cung cấp thuốc đến nhà thuốc an toàn, đảm bảo), Chuyên gia y tế (đảm bảo cung cấp sự chăm sóc tốt nhất cho bệnh nhân, kê toa phù hợp), Dược sĩ (đảm bảo cung cấp đúng thuốc và thuốc đạt chất lượng cho bệnh nhân, tư vấn cho bệnh nhân hiểu được tầm quan trọng của việc tuân thủ điều trị), Bệnh nhân/người chăm sóc bệnh nhân (đảm bảo việc tuân thủ điều trị và dùng thuốc)…
Với đề tài “Vấn đề tuân thủ điều trị và chất lượng thuốc: thách thức trong điều trị các bệnh mạn tính”, PGS. TS. BS. Lê Anh Thư (Bệnh viện Chợ Rẫy) đề nghị: Để đạt hiệu quả trong điều trị các bệnh mạn tính, trước hết cần cải thiện dịch vụ chăm sóc, tăng cường mối quan hệ thầy thuốc/nhân viên y tế với bệnh nhân, tăng cường tư vấn trực tiếp, gia tăng sự tuân thủ điều trị. Kế đến, cần giúp bệnh nhân khỏe mạnh hơn, cải thiện chất lượng sống và hòa nhập được với cuộc sống xã hội; giảm tổng chi phí y tế bằng cách cung cấp cho bệnh nhân liệu pháp điều trị hiệu quả với thuốc chất lượng cao, giúp giảm hoặc ngăn ngừa tỷ lệ tàn phế, nhập viện và tử vong do các biến chứng của bệnh.
Quỳnh Trâm