Nhìn lại lịch sử, năm 2008, chủ công Ngô Văn Kiều là cầu thủ bóng chuyền nam đầu tiên của Việt Nam đã được đi Indonesia thi đấu trong màu áo đội bóng Samator Group. Hai năm sau, năm 2010, chủ công của đội nam Sanest Khánh Hòa tiếp tục đi Indonesia thi đấu, sau đó không xuất ngoại thêm lần nào. Thực tế, đổi lại việc Ngô Văn Kiều ra nước ngoài thi đấu thì đối tác Indonesia cũng cử cầu thủ gia nhập Sanest Khánh Hòa để đảm bảo được chất lượng đội hình.
Từ đó tới nay, những lần xuất ngoại của bóng chuyền Việt Nam chỉ thuộc về các cầu thủ nữ. Lần lượt Đỗ Thị Minh, Nguyễn Thị Ngọc Hoa, Trịnh Thị Bích Thủy, Nguyễn Thị Kim Liên và Trần Thị Thanh Thúy được đến Thái Lan, Nhật Bản thi đấu còn cầu thủ nam là không.
Chúng ta chỉ chứng kiến, các đội bóng của Việt Nam tìm thuê cầu thủ ngoại về bổ sung lực lượng còn việc tìm cơ hội làm sao để cầu thủ nam được ra nước ngoài thi đấu gần như khó xảy ra.
Rất nhiều thông tin chia sẻ, trong từng giai đoạn, một số đội bóng của khu vực từng đánh tiếng mời thuê những gương mặt của bóng chuyền nam Việt Nam như Nguyễn Hữu Hà (hiện đã là HLV đội nữ Hóa chất Đức Giang HN), Từ Thanh Thuận (S.Khánh Hòa), Phạm Thái Hưng (Đà Nẵng)… Về thực tế, lời mời có thể có nhưng khi cần giấy trắng mực đen có văn bản ký kết là chưa xuất hiện nên cầu thủ nam bóng chuyền Việt Nam không ra nước ngoài. Nhu cầu được ra nước ngoài thi đấu nâng cao trình độ và cũng có thể là tăng thêm thu nhập là có đối với cầu thủ bóng chuyền nam. Dù vậy, để tìm được một sự hậu thuẫn của đội bóng chủ quản để ra nước ngoài thi đấu là khó.
Trường hợp của Ngọc Hoa và Trần Thị Thanh Thúy là những trường hợp điển hình của bóng chuyền Việt Nam ở câu chuyện đội bóng chủ quản tạo điều kiện tối đa để VĐV chủ chốt đi nước ngoài thi đấu dù thiếu hụt lực lượng thi đấu trong nước. “Nếu có bất cứ lời mời nào từ đội bóng nước ngoài mà tìm đích danh cầu thủ muốn thuê, chúng tôi kết nối ngay với cầu thủ và đội bóng chủ quản chứ không hề giữ kín làm gì. Bóng chuyền nam Việt Nam nếu có cầu thủ ra nước ngoài thi đấu là một trải nghiệm quý”, đại diện ban chuyên môn của Liên đoàn bóng chuyền Việt Nam chia sẻ.
Bóng chuyền Việt Nam chỉ cấm không cho ngoại binh thi đấu (từ 2012 đến 2021) các giải trong nước chứ không cấm việc để cầu thủ Việt Nam ra nước ngoài thi đấu. Đáng tiếc, chưa một cầu thủ nam nào có cơ hội hiện thực giấc mơ bước ra khỏi bóng chuyền quê nhà. Ý kiến một chuyên gia bóng chuyền cho rằng “nhìn trong 10 năm đấy, số lần đội tuyển bóng chuyền nam Việt Nam được dự giải quốc tế không nhiều. Chúng ta chỉ thi đấu chủ yếu SEA Games với chu kỳ 2 năm/lần. Ngoài ra, hàng năm, thi thoảng có đội CLB dự cúp các CLB nam châu Á. Cầu thủ không góp mặt giải quốc tế nhiều, khả năng thể hiện hình ảnh và chuyên môn ít nên đã khó lại càng khó để bên ngoài bắt mặt gọi tên”.
Bây giờ, giải bóng chuyền vô địch quốc gia 2022 đã có đội bóng phải tìm thuê ngoại binh nam từ Campuchia, điều vốn chưa xuất hiện trước đây bao giờ. Cầu thủ nam của Việt Nam vẫn ở nhóm 3 đội tuyển mạnh nhất Đông Nam Á nhưng lại chưa thể ra thi đấu nước ngoài nên là điều đáng suy ngẫm của những nhà quản lý.
Đội bóng chuyền nam Long An là đội nam chịu đầu tư nhất về ngoại binh để dự giải vô địch quốc gia 2022. Sau khi thuê được cầu thủ Voeurn Veasna của Campuchia, dự kiến ở tuần này thì đội sẽ có thêm cầu thủ ngoại thứ 2 tới từ Đài Bắc Trung Hoa. Điều lệ giải vô địch quốc gia 2022 cho phép các đội được đăng ký 2 ngoại binh nhưng chỉ 1 cầu thủ được có mặt trên sân. Những đội bóng nam khác đã thuê cầu thủ ngoại chuẩn bị cho giải vô địch quốc gia 2022 mới chỉ có 1 người. |