Từng để thua Daniel Nguyễn những 2 lần trong quá khứ, 1 lần ở giải trong nước, 1 lần ở giải quốc tế tại Tây Ninh, thế nên, Hoàng Nam đã nhập cuộc trong tâm thế “không còn gì để mất”. Với tinh thần cực kỳ sảng khoái đó, tay vợt quê ở Tây Ninh đã thi đấu mà không có một chút áp lực nào, chơi tấn công mạnh mẽ ngay từ những giây phút đầu tiên.
Ở phần sân bên kia, gánh trên vai quá nhiều áp lực; thứ nhất, là hạt giống số 1 của giải, và là tay vợt có thứ hạng thế giới cao nhất (hạng 341 thế giới), cho nên được kỳ vọng thắng HCV ngay từ trước khi SEA Games khởi tranh, ở thời điểm vừa được nhập tịch Việt Nam; thứ hai, được xem là “đàn anh” của Hoàng Nam và cũng từng 2 lần đánh bại Hoàng Nam trong quá khứ, lần này, anh cũng vẫn được chờ đợi, sẽ lại giành chiến thắng… Do vậy, Daniel Nguyễn đã bước vào trận chung kết đơn nam một cách rất không thoải mái. Ngoài ra, anh cũng chưa từng có kinh nghiệm thi đấu ở SEA Games trước đây.
Tất cả các yếu tố trên, vô hình chung đã khiến cho những bước chạy của Daniel trở nên nặng nề, và các cú đánh của anh thường xuyên kém chính xác. Trong khi đó, Hoàng Nam càng chơi càng hay. Chàng trai mới 22 tuổi (sinh ngày 25-2-1997) nhanh chóng “thống trị” ván đấu đầu tiên với điểm số 6-2. Bước vào ván đấu thứ 2, khi một số người hoài nghi Daniel “buông” trận đấu vì muốn “nhường Vàng” cho đàn em (!?), Daniel vẫn cho thấy, thật sự anh rất muốn thắng trận đấu này vì đã chơi cố gắng đến cùng.
Có một số thời điểm, tay vợt từng thi đấu ở US Open (trong nội dung đánh đôi) đã quyết đuổi theo từng đường bóng, để rồi khi có một pha đánh bóng hỏng, anh đã bực tức quăng cây vợt “mến yêu” của mình xuống sân. Ai mà không muốn một lần thắng tấm HCV SEA Games. Chắc chắn, đó cũng là tâm lý của Daniel, tiếc là, anh không ở trong trạng thái tinh thần tốt nhất.
Ở ván đấu thứ 2, Hoàng Nam cũng vượt lên dẫn trước từ khá sớm và duy trì cách biệt 2 game đấu trước khi thắng chung cuộc 6-4. Chiến thắng lịch sử trưa ngày 6-12 đã biến Hoàng Nam trở thành một tượng đài quần vợt Việt Nam từ trước cho đến nay (tất nhiên, chỉ tính từ sau thời hội nhập, còn trước đó, vẫn là một Võ Văn Bảy lẫy lừng châu Á…), vượt qua cả những “tiền bối”, những đàn anh như là Ôn Tấn Lực, Trần Đức Quỳnh, Đỗ Minh Quân, Ngô Quang Huy. Thứ Sáu, 6-12, sẽ là một cột mốc lịch sử đáng nhớ của làng quần vợt Việt Nam.
Hoàng Nam hạnh phúc cho biết sau chiến thắng “oanh oanh liệt liệt” ở trận “chung kết nội bộ Việt Nam”: “Tôi đã nhập cuộc với tâm lý đầy thoải mái, vì không còn gì để mất. Thế nên, tôi khởi đầu rất tốt, hơn hẳn anh Daniel. Rõ ràng, khi bước vào một trận chung kết bất kỳ, ở đây là tại SEA Games, ai cũng sẽ có áp lực. Nhưng tôi có tâm lý thoải mái hơn người đàn anh ở bên kia lưới. Do là anh Daniel rất mạnh, trên trình của tôi, tôi cũng từng để thua anh ấy. Do vậy, tôi không suy nghĩ gì nhiều đến kết quả, cứ thoải mái và thi đấu, đúng bóng mà đánh thôi. Hôm nay, tôi chơi tốt, giao bóng tốt, đánh bóng tốt, nói chung mọi thứ đều rất là ổn, và rất tuyệt vời khi giành tấm HCV lịch sử cho quần vợt nước nhà”.
Về phần mình, khi trả lời phỏng vấn báo giới, nét mặt “niềm hy vọng Vàng của quần vợt Việt Nam, nhưng rốt cuộc chỉ thắng Bạc” có chút đượm buồn. Daniel Nguyễn thừa nhận: “Tôi đã cố gắng hết sức, nhưng mọi thứ vô cùng khó khăn. Trong quần vợt, khi tâm lý bạn không thoải mái, bạn sẽ đánh bóng hỏng rất nhiều. Và từ đó, do đẳng cấp chênh lệch không lớn, chuyện thắng hay là thua đều là bình thường. Tôi đã cống hiến hết mọi thứ mà tôi có, nhưng hôm nay, Hoàng Nam đã giành được chiến thắng hoàn toàn xứng đáng”.
Giấc mơ “giành cú đúp Vàng” ở các nội dung đánh đơn của quần vợt Việt Nam đã không thể thành hiện thực, khi cô bé có nụ cười tỏa nắng Savanna Lý Nguyễn đụng phải một đối thủ quá mạnh ở trận đấu chung kết đơn nữ - Sutjiadi (hạt giống số 2 của giải).
Nên nhớ, chính Sutjiadi là người đã loại tay vợt Việt kiều Hungary Csilla Fodor ngay ở vòng đấu thứ 2 với điểm số 6-2, 6-2. Sutjiadi đã tận dụng tốt “khuyết điểm” của Savanna, là thể hình thấp bé, để tập trung vào các game trả giao bóng và liên tục thắng break-point. Ngay trong ván đấu mở màn, các cú trả giao bóng ra 2 mang của tay vợt người Indonesia khiến Savanna rất chật vật. Cô cầm giao bóng khá nao núng và có nhiều tình huống phạm lỗi giao bóng kép.
Đó là lý do, Sutjiadi thắng dễ 6-0 trong ván đầu tiên. Ở ván 2, Savanna lại sớm thua break-point và bị dẫn 0-1. Tuy vậy, cô gái Việt kiều Canada sinh năm 2000 đã chơi rất quật cường trong ván đấu thứ 2 này, khi thắng lại break-point và đấu giằng co với đối thủ cho đến tận game đấu thứ 10. Thế rồi, sau khi để thua break-point quan trọng và bị dẫn 5-6, Savanna đã gác vợt ở game đấu thứ 12 vì đối thủ đánh quá ác liệt, chấp nhận vị trí Á quân. Dù sao, tấm HCB này cũng là thành công rất lớn của Savanna và của quần vợt nữ Việt Nam.
Savanna, vẫn giữ nụ cười rất tươi điển hình, lên tiếng thừa nhận: “Hôm nay, tôi thất vọng khi để thua trận. Trong ván đầu tiên, tôi khởi đầu rất chậm, trong ván 2, tôi đã cố gắng quay trở lại với trận đấu, nhưng khi đó đã không còn kịp nữa rồi. Dù sao, đối thủ của tôi đã chơi rất tuyệt vời và đây là một kết quả hợp lý. Đến với giải đấu này, tôi có tâm niệm quyết mang HCV về cho Việt Nam, nhưng tiếc là không thành công. Hy vọng, ở kỳ SEA Games sau, vào 2 năm nữa, tôi tiếp tục mang về tự hào, nhiều hơn, giành cho quê nhà”.
Với 1 HCV và 2 HCB, khi nội dung thi đấu quần vợt ở SEA Games 2019 vẫn chưa có tổng kết cuối cùng, đây là lần đầu tiên, quần vợt Việt Nam đạt được thành tích cao như vậy ở đấu trường Đại hội Đông Nam Á. Hãy cùng chờ xem, các tuyển thủ quần vợt Việt Nam còn đạt được những thành công gì trong những ngày thi đấu cuối cùng...