Băn khoăn giá bản quyền truyền hình SEA Games

Theo thông báo của Campuchia - nước chủ nhà SEA Games 32 - tại Hội nghị truyền thông lần thứ 2 vừa diễn ra thì hiện có 4 quốc gia đã sở hữu bản quyền truyền hình gồm Việt Nam, Indonesia, Malaysia và Singapore. Tuy nhiên, tiến trình này đang gặp trở ngại lớn khi Thái Lan từ chối mua vì cho rằng giá quá cao.
Chương trình biểu diễn nghệ thuật chào mừng sự kiện nhận chuyển giao vai trò là chủ nhà của SEA Games 32 của Campuchia. Ảnh: P.MINH
Chương trình biểu diễn nghệ thuật chào mừng sự kiện nhận chuyển giao vai trò là chủ nhà của SEA Games 32 của Campuchia. Ảnh: P.MINH

1. SEA Games 32 là lần đầu tiên bản quyền truyền hình được chào bán. Trước đây, các quốc gia Đông Nam Á chỉ trả một khoản phí không lớn gọi là “phí truyền dẫn”. Câu chuyện về bản quyền được đặt ra từ SEA Games 2007, khi đó tổ chức ở Thái Lan, nhưng Liên đoàn Thể thao Đông Nam Á không thông qua đề xuất này với lý do SEA Games là sự kiện chung của Đông Nam Á và cần phải được lan tỏa tối đa.

Dù vậy, giống như nhiều sự kiện thể thao châu lục và thế giới, việc thu phí bản quyền truyền hình là xu thế tất yếu. Theo lời ông Venu Ganesh Ramadas, đại diện Ban bản quyền và sản xuất thuộc Ban tổ chức SEA Games 32, “việc thu phí bản quyền truyền hình giúp giảm gánh nặng chi phí tổ chức sự kiện cho quốc gia đăng cai, đồng thời tăng doanh thu và phát triển về mặt thương mại”.

Về nguyên tắc, bán bản quyền truyền hình chỉ có lợi chứ không phải là trở lực đối với sự phát triển cũng như tính lan tỏa của SEA Games. Từ chỗ là một sự kiện mang tính chất kết nối, giao thoa văn hóa - thể thao trong khối ASEAN, SEA Games đang cố gắng hướng đến một sự kiện có yếu tố chuyên môn cao, tiếp cận được với trình độ thể thao thế giới. Mà một trong những yếu tố hình thành nên tính chuyên nghiệp của các môn thi đấu, đó là khai thác được thương mại thông qua bản quyền hình ảnh.

Ngoài việc giảm chi phí tổ chức, tăng doanh thu, một khi hoạt động này đi vào nền nếp, nó sẽ tác động ngược lại quá trình tổ chức. Một số môn kém phổ biến sẽ không được đưa vào chương trình thi đấu vì ít quốc gia tham gia nên khó bán bản quyền. Nghĩa là áp lực từ kinh doanh sẽ làm giảm đi chất “ao làng” của SEA Games. Khi đó, đại hội sẽ tập trung vào những môn có tính cạnh tranh cao, thu hút lượng người xem đông, giá trị bản quyền lớn.

Bán bản quyền cũng là một cách đo lường tính hiệu quả và cần thiết của SEA Games, sự kiện đang đối diện với câu hỏi: đâu là giá trị cốt lõi? Campuchia là quốc gia thứ 10 ở Đông Nam Á đăng cai sự kiện vốn đã ra đời từ năm 1959 đến nay. Như vậy chỉ còn Timor Leste là chưa từng tổ chức. Sở dĩ đến bây giờ Campuchia mới đăng cai, chủ yếu vì các vấn đề tài chính vốn là gánh nặng của nước chủ nhà. Vì thế, phát triển được thị trường bản quyền thì sẽ khuyến khích các quốc gia giành quyền đăng cai hơn là chỉ làm theo nghĩa vụ xoay vòng. Hơn nữa, với sự phát triển truyền thông mạng xã hội, SEA Games chắc chắn thu hút được doanh thu lớn nếu làm chặt chẽ vấn đề bản quyền truyền hình.

2. Theo truyền thông Thái Lan, mức giá phía BTC SEA Games 32 đưa ra là 800.000 USD, tức gấp 80 lần so với số tiền mà Thái Lan chi ra cho SEA Games 31 khi Việt Nam đăng cai hồi năm ngoái. Cơ quan thể thao Thái Lan (SAT) tin rằng con số này không phù hợp với một đại hội cấp khu vực như SEA Games. Trong khi đó, ông Wat Chamroen, Tổng thư ký Ủy ban tổ chức SEA Games 32 (CAMSOC), khẳng định: “Thứ nhất, Campuchia không phải là bên ấn định mức giá này. Nó phụ thuộc vào thương lượng và giá trị thị trường. Chúng tôi luôn tuân theo các tiêu chuẩn của SEA Games. Thứ hai, phương tiện truyền thông và các quốc gia có giá trị thị trường lớn hơn sẽ trả giá cao hơn là điều bình thường. Do đó, Thái Lan trả đắt hơn tất cả các quốc gia ASEAN khác”.

Phản ứng từ phía Thái Lan rất đáng lưu tâm. Đành rằng bán được bản quyền là điều quan trọng, nhưng việc hình hành thị trường để xác định mức giá hợp lý còn quan trọng hơn. Vì nói cho cùng, ra giá cao đến mức không mua nổi thì ý nghĩa của việc bán bản quyền chẳng còn. SEA Games chỉ là một sự kiện mang tính khu vực, bên mua bản quyền cũng chỉ là những quốc gia tham gia thi đấu, tức thị trường mang tính cục bộ.

Dù là sự kiện đa môn, nhưng giá bản quyền SEA Games thấp hơn nhiều so với giải dành riêng cho bóng đá là AFF Cup. Hơn nữa, cũng như bản quyền Olympic hay Asiad, mỗi quốc gia có lựa chọn riêng khi mua. Dù thị trường truyền hình ở Việt Nam có lớn đến đâu, thì khi mua bản quyền các sự kiện lớn nói trên cũng chủ yếu nhắm vào những môn có VĐV Việt Nam thi đấu hoặc môn có tính phổ quát cao.

Thái Lan có thị trường truyền hình trả tiền phát triển, nhưng nền thể thao nước này cũng ở đẳng cấp cao, chưa chắc người hâm mộ của họ đã có nhu cầu lớn xem thi đấu tại SEA Games. Lượng người xem SEA Games hạn chế, trả giá cao quá thì kinh doanh sẽ lỗ. Điều này sẽ làm méo mó việc hình thành thị trường bản quyền, không thuận theo cơ chế thị trường.

Và nói cho cùng, SEA Games vẫn đang gánh vai trò lan tỏa một Đông Nam Á đa dạng mà thống nhất. Dù ý nghĩa này hiện có phần mờ nhạt nhưng đó chính là mục tiêu quan trọng nhất để SEA Games tồn tại và được nhiều chính phủ tại Đông Nam Á ủng hộ, chia sẻ. Thế nên, có bán bản quyền thì mục tiêu chính vẫn là vừa kiếm tiền, vừa đưa được hình ảnh SEA Games đến với cộng đồng người hâm mộ khu vực.

Tin cùng chuyên mục