“Hiện tại, các tuyển thủ đang tập trung tập luyện với nhóm nội dung đối kháng và biểu diễn để hướng tới thi đấu SEA Games 32. Chúng tôi kiểm tra rất kỹ càng công tác chuyên môn để đảm bảo tốt nhất mục tiêu đề ra”, phụ trách bộ môn vovinam (Tổng cục TDTT) – ông Ngô Bá Huy bày tỏ.
Cũng theo ông Huy, việc môn vovinam tiếp tục nằm trong chương trình thi đấu chính thức tại SEA Games và ở kỳ tranh tài SEA Games 32 ở Campuchia đã cho thấy môn võ này được sự ủng hộ tích cực của các quốc gia trong khu vực.
Năm ngoái tại SEA Games 31 trên sân nhà, đội tuyển vovinam Việt Nam giành được 6 tấm HCV với các kết quả của Lê Hồng Tuấn, Nguyễn Thanh Liêm, Phạm Thị Kiều Giang, Lê Thị Hiền, Đỗ Phương Thảo (đối kháng) và Mai Thị Kim Thùy (biểu diễn – bài Long hổ quyền pháp). Kỳ SEA Games 32 này, chúng ta đặt mục tiêu phấn đấu giành 7 tấm HCV. Ông Huy đánh giá, dựa trên thực lực và cơ sở chuyên môn của tuyển thủ, ban huấn luyện đội tuyển quốc gia đề xuất cụ thể về thành tích và chúng ta hướng tới mục tiêu như vậy. Thi đấu ở Campuchia trong tháng 5 tới đây, môn vovinam cũng có giới hạn về việc đăng kí nội dung. Theo đó, dành cho đối kháng, các quốc gia chỉ được đăng kí 4 nội dung nam, 4 nội dung nữ nhưng với biểu diễn có 22 nội dung thì không giới hạn đăng kí.
Điểm quan trọng nhất của sự chuẩn bị chính là tuyển thủ cần được thi đấu để cọ xát. Về điều này, ban huấn luyện của nội dung đối kháng và biểu diễn đều tính tới. Trong tháng 4 tới (từ ngày 7 tới 15), các VĐV sẽ được cơ hội thi đấu cọ xát chuyên môn ở giải vô địch các đội mạnh toàn quốc 2023 diễn ra tại Bình Dương. Tuy nhiên, ban huấn luyện đội tuyển quốc gia cũng cho biết, trong trường hợp cần sự đảm bảo nhất về chuyên môn thì có thể những tuyển thủ chủ chốt sẽ không về dự giải nhằm tránh chấn thương bởi SEA Games 32 đã cận kề. Thế nhưng, bài toán thi đấu cọ xát để tăng cường tâm lý là cần thiết nên ban huấn luyện đội tuyển vovinam Việt Nam sẽ điều chỉnh phù hợp theo tình hình.