Nếu không có gì thay đổi, hai môn điền kinh và bơi lội nằm trong chương trình thi đấu chính thức của SEA Games 32 tại Campuchia (tháng 5-2023) được Liên đoàn thể thao quốc tế các môn này công nhận kết quả thi đấu để xét chuẩn Olympic qua đó trao vé chính thức cho VĐV dự Olympic Paris (Pháp) 2024. Thể thao Việt Nam cũng chờ đợi sẽ có tin vui từ đấu trường này để sớm đạt được các suất Olympic đầu tiên cho mình.
Trong lịch sử, chúng ta từng giành được chuẩn Olympic qua đó có suất trực tiếp dự Olympic trong môn điền kinh. Kết quả đó thuộc về tuyển thủ Nguyễn Thị Huyền khi cô thi đấu SEA Games 2015 ở Singapore và đạt chuẩn để có suất chính thức thi đấu 400m, 400m rào tại Olympic Rio de Janeiro (Brazil) 2016. Bơi Việt Nam từng có tuyển thủ đạt được chuẩn B Olympic trong nội dung cụ thể thông qua thi đấu SEA Games 2015. Tuy nhiên, khi đó, chỉ VĐV giành được chuẩn A nội dung mới có suất chính thức.
Hướng vào sự chuẩn bị chuyên môn, hai đội bơi và điền kinh Việt Nam đã có các mục tiêu về số HCV tại SEA Games 32 tuy nhiên các ban huấn luyện muốn một sự vượt ngưỡng cao hơn nữa đó là tuyển thủ trọng điểm cần phấn đấu đạt đúng thông số chuyên môn của chuẩn Olympic để có cơ hội giành suất trực tiếp đi Pháp năm sau. Về điều này, chúng ta vẫn đặt ở trạng thái hy vọng và kỳ vọng chứ chưa đảm bảo chính xác tuyển thủ nào hay nội dung nào mà thể thao Việt Nam sẽ đạt được chuẩn Olympic.
Trong tháng 3 này, lần lượt các đội boxing nữ, judo, vật, đấu kiếm, bắn súng lên đường thi đấu các giải quốc tế thuộc cấp độ vô địch thế giới và vô địch châu Á. Đây là những giải có trong chương trình tích điểm, hướng tới xét suất Olympic và có giải sẽ trao thẳng suất trực tiếp nếu tuyển thủ là nhà vô địch của nội dung. Ban huấn luyện của các đội tuyển thể thao trên đã cho biết, nhiều gương mặt tham dự chương trình thi đấu cũng là những người dự liệu sẽ thi đấu SEA Games 32 sắp tới.
Thi đấu cũng chính là tập huấn và thành tích để đảm bảo rằng sự đầu tư và chiến lược phù hợp hay không. Ngoài họ, đội tuyển cử tạ Việt Nam cũng đang có sự chuẩn bị cho việc giành suất dự Olympic Paris (Pháp) 2014. Giải vô địch cử tạ châu Á 2023 nằm trong chương trình vòng loại Olympic và trùng thời điểm tổ chức SEA Games 32 (tháng 5-2022). Chúng ta sẽ cùng lúc cử 2 đội hình tham gia 2 giải đấu bởi từng đấu trường đều có ý nghĩa quan trọng về chuyên môn cho cử tạ Việt Nam. Không loại trừ, một số gương mặt chủ lực từng có HCV tại SEA Games 31 sẽ tham gia đấu trường vô địch châu Á 2023 tới đây.
Tuyển thủ bơi lội Nguyễn Huy Hoàng từng dự Olympic Tokyo (Nhật Bản) 2020 bằng vé chính thức nên chúng ta kỳ vọng đội bơi Việt Nam tiếp tục có suất Olympic ở năm 2014. Ảnh: DŨNG PHƯƠNG |
Thể thao Việt Nam từng đưa ra nhiều bài toán để tìm lời giải và trong đó không ít ý kiến cho rằng liệu hay không chúng ta nên bước qua thời kỳ tập trung quá nhiều cho SEA Games để hướng đến trọng tâm cho đấu trường ASIAD và Olympic. Mỗi quan điểm có cái phù hợp hoặc cái chưa phù hợp. Tổng cục trưởng Tổng cục TDTT – ông Đặng Hà Việt từng bày tỏ “thể thao Việt Nam có nhiều nhiệm vụ và chúng ta vẫn có những giải pháp, mục tiêu cùng sự chuẩn bị dành cho từng giải đấu thuộc cấp Đại hội thể thao cụ thể. SEA Games là một trong những giải để kiểm tra trình độ tuyển thủ còn sự đầu tư hướng tới trọng tâm cho ASIAD và Olympic cần nguồn lực từ con người cho tới kinh tế và theo sự chuẩn bị dài hạn chứ không thể ngắn hạn…”.
Với điền kinh và bơi lội, trong trường hợp chúng ta chưa thành công ở việc giành suất Olympic từ thi đấu SEA Games 32, các tuyển thủ vẫn còn cơ hội tiếp theo là thi đấu ASIAD 19-2022. Tại kỳ ASIAD 18 năm 2018 tại Indonesia, đội tuyển bơi Việt Nam đã có kình ngư Nguyễn Huy Hoàng giành được suất trực tiếp dự Olympic Tokyo (Nhật Bản) 2020 sau khi vượt chuẩn trong các nội dung 1.500m tự do và 800m tự do.