Nếu năm 1974, thứ bóng đá Tổng lực với Johan Cruyff đã vùi dập không thương tiếc Argentina 4-0 thì chỉ 4 năm sau, trên “dòng sông bạc” với ngập tràn giấy trắng, Argentina đã đánh bại Hà Lan không có Johan Cruyff tại Buenos Aires để lần đầu tiên vô địch World Cup - đó cũng là lần duy nhất mà họ đối đầu với nhau ở trận cuối cùng của World Cup dù cả 2 đã chơi đến 8 trận chung kết.
Kể từ đó, số phận chia đôi, Hà Lan lầm lũi đi tìm vinh quang còn Argentina có lần thứ 2 vô địch, nhưng cũng đã từ 1986 đến nay. Họ, chính là những tiếc nuối lớn nhất của World Cup đương đại. Bởi chưa bao giờ họ ngừng sản sinh tài năng, nhưng chiếc cúp vàng thì mãi chỉ là ảo mộng, kể cả khi họ đến rất gần. World Cup 2010, Hà Lan vào chung kết và chỉ thua Tây Ban Nha một bàn. Năm 2014, Argentina vào chung kết và cũng chỉ thua Đức một bàn.
Lần cuối cùng họ gặp nhau, là bán kết World Cup 2014. Năm đó Van Gaal lần đầu tiên cầm quân ở đội tuyển quốc gia để dự World Cup. Thật kỳ lạ, trận cầu đầu tiên của Messi ở một kỳ World Cup, đó là khi Argentina hòa Hà Lan 0-0 tại trận cuối vòng bảng 2006. Cả Van Gaal lẫn Messi đều có thể tiếp tục "trắng tay" trong lần cuối dự World Cup nếu họ để thua trong trận tứ kết sắp diễn ra. Lịch sử lại một lần nữa, buông tiếng thở dài.
Messi bây giờ là một cầu thủ rất khác so với những gì mà người Hà Lan phải đối mặt vào năm 2006, và thậm chí là vào năm 2014. Anh đã mất đi phần lớn năng lượng và thay vào đó, là những tháng ngày chất chứa khát khao trong từng bước chạy trên sân. 18 năm đã trôi qua, bộ óc của Messi là một siêu máy tính còn đôi chân thì chồng chất những ma thuật mà thời gian vẫn chưa làm mất đi những câu thần chú huyền diệu. Nên Van Gaal mới nói, Messi là điểm mạnh nhất và cũng là điểm yếu của Argentina. Nhận định đó, hãy nhớ rằng, nó đến từ một trong những nhà cầm quân vĩ đại nhất hiện vẫn còn đang làm việc.
Dưới góc nhìn chuyên môn, cả Hà Lan và Argentina đều không phải là những nhà tiên phong trong chiến thuật bóng đá đương đại. Lối chơi của họ chủ yếu phụ thuộc vào khả năng chuyển trạng thái từ phòng ngự sang phản công chứ không đưa ra phát kiến gì mới như thời thập niên 70 ngày trước. Người ta từng nói về Total Football, về sự nóng bỏng và hoang dã của điệu Tango, về 3 cú chạm bóng như trên thiên đàng của Dennis Bergkamp ở trận tứ kết France 98. Đó đều là những khoảng khắc của lịch sử World Cup. Giờ thì không. Hà Lan chẳng còn là cơn lốc màu cam đủ sức cuốn phăng mọi đối thủ, còn Argentina, mọi hy vọng có lẽ nằm ở cái cách mà Messi giải quyết trận đấu.
Cả 2 đều không ở trạng thái tốt nhất để tạo ra điều đặc biệt cho lịch sử. Thực sự thì họ không phải là những ứng viên lớn nhất cho chức vô địch năm nay.