Thế nên Tổng thư ký VFF Lê Hoài Anh buộc phải công khai “than thở”. Theo ông Anh, có những việc VFF muốn thì cũng không thể thực hiện. Ví dụ như trận giao hữu Việt Nam - Nigeria là rất hay, nhưng dù Nigeria là đội có đẳng cấp cao thì chưa hẳn đã là đối tượng phù hợp với đội tuyển Việt Nam. Để có một trận giao hữu tốt thì việc tổ chức rất phức tạp.
Ngoài chi phí rất lớn, còn phải lựa chọn thời điểm phù hợp để bảo đảm đội bạn đưa sang đội hình tốt nhất. Vì không đơn giản nên việc chọn đối thủ nào để đá giao hữu, lại phải tùy vào quyết định của ban huấn luyện, chứ không phải cứ gặp đối thủ đẳng cấp thế giới là được.
Theo ông Lê Hoài Anh, trận Việt Nam - Nigeria chỉ dành cho U.23 sẽ hợp lý hơn là cấp độ đội tuyển quốc gia. Trước đây, chúng ta dự kiến sẽ có trận giao hữu mang yếu tố thương mại với Liverpool vào tháng 6 này, nhưng HLV Park Hang-seo lại chọn tham dự King’s Cup có tính chuyên môn cao hơn.
Công bằng mà nói, VFF đang rơi vào tình cảnh “sướng quá… hóa khổ”. Sướng là vì thành tích của đội tuyển đang rất tốt nên mối quan tâm của người hâm mộ đã trở lại như xưa, thuận lợi cho việc phát triển bóng đá nước nhà, trong đó có lĩnh vực tài chính - tài trợ.
Nhưng nỗi khổ còn nhiều hơn. Người hâm mộ muốn được xem đội tuyển đá nhiều hơn, gặp các đối thủ mạnh hơn. Chỉ có điều là những điều đó lại phụ thuộc khá nhiều vào tài chính.
Theo báo cáo tài chính của VFF trong kỳ gần nhất, mỗi năm VFF kiếm khoảng 150 - 170 tỷ đồng, nhiều gấp 3 lần so với 10 năm trước, nhưng tiền chi ra cũng tăng lên, dẫn đến con số âm khi cân đối thu - chi. Nói cách khác, tình hình tài chính của VFF không hề khác so với trước, dù các con số có thể thay đổi.
Có một câu chuyện khá nhạy cảm khác cũng đang làm cho VFF khổ sở, đó là việc tái ký hợp đồng với HLV Park Hang-seo, “đại công thần” của bóng đá Việt Nam. Người hâm mộ muốn ông Park ở lại với Việt Nam nhiều thế nào, thì VFF cũng muốn hợp tác với ông thầy người Hàn Quốc nhiều gấp chục lần.
Không có ông Park, VFF sẽ đối diện với bài toán tìm người thay thế và duy trì thành tích cũng như các áp lực khác từ người hâm mộ. Vấn đề là VFF không thể muốn là được nếu như HLV Park Hang-seo chưa đề cập đến việc gia hạn hợp đồng. Bản thân thầy Park cũng không tự quyết định, vì còn liên quan đến công ty đại diện.
Ngay cả trong trường hợp HLV Park Hang-seo quyết định ở lại lâu dài, thì vấn đề tiền lương cũng là rắc rối, nếu như phía nhà cầm quân Hàn Quốc đưa ra đề nghị quá cao trong bối cảnh VFF không có nhiều tiền. Thế nên, người hâm mộ càng muốn phải tái ký với ông Park Hang-seo thì VFF lại càng dễ rơi vào cảnh “người giàu… cũng khóc”.
Đây thực ra là hệ quả của một nền bóng đá vận hành theo nhiệm kỳ, thiếu tính chuyên nghiệp nên luôn ở trong tình trạng “chạy ăn từng bữa” không có khả năng dự báo được thành tích nên công tác tài chính cũng trở nên tủn mủn. Quá trình đó đã kéo dài nhiều nhiệm kỳ, trong khi thành công mà HLV Park Hang-seo đem lại thì quá đột ngột, quá lớn lao…