Đó là câu hỏi quá đơn sơ thể hiện ấu trĩ trong suy nghĩ, của những người chỉ biết xem bóng kiểu nghiệp dư mà không dùng khả năng phân tích của mình. Ta muốn cầm hòa Thái, nhưng Thái có đồng ý hay không, lại là một chuyện khác.
Khi môn bóng đá nam của SEA Games 2017 mới vừa diễn ra, đã có những nghi ngại xung quanh sự lọc lõi của Thái Lan. Tại sao họ lại không thắng giòn giã trong những trận đấu với các đối thủ yếu, như những gì mà các học trò của HLV Nguyễn Hữu Thắng đã làm? Sao họ không thắng Indonesia? Câu trả lời chỉ có một: “Họ biết chắc họ trên tầm đẳng cấp với chúng ta, không chỉ 1 bậc mà những 2, 3 bậc. Thế nên, họ biết, nếu trong một diễn biến căng thẳng nhất, họ vẫn có thể đánh bại chúng ta để loại chúng ta ra khỏi cuộc chơi.” Rõ ràng, tất cả những gì U22 đã làm, đã thể hiện trên đất Mã, đều không thoát khỏi ánh nhìn quan sát và những toan tính của người Thái.
Người Thái, rõ ràng có 2 lựa chọn ở cái gọi là “bảng đấu tử thần” này. Hoặc họ “chọn” Indonesia vào vòng sau, hoặc họ chọn Việt Nam. Xét trên cục diện thông thường, đương nhiên họ sẽ chọn Indonesia, đội bóng khó có thể làm khó họ khi đi sâu vào giải. Ngược lại, với U22 Việt Nam có lứa “thế hệ Vàng” của Hoàng Anh Gia Lai kết hợp với lứa cầu thủ tài năng U20 của HLV Hoàng Anh Tuấn, chúng ta sẽ là một trở lực đáng ngại của họ ở những vòng đấu sau, cụ thể là ở trận chung kết, nếu chúng ta giành vé đến đó. Với những bình diện như thế, lẽ nào người Thái chịu chìa bàn tay giúp đỡ chúng ta, chẳng thà, họ loại chúng ta càng sớm để loại trừ mối nguy hiểm càng nhanh càng tốt. Có thể nói, ở SEA Games này, người Thái phải e dè Việt Nam và chủ nhà Malaysia, có cơ hội, họ phải triệt hạ rõ ràng những mối nguy hại này, chúng ta chỉ là “nạn nhân đầu tiên” của sự toan tính cáo già của người Thái.
Chưa hết, trong tình thế họ có thật sự muốn nắm tay chúng ta vào bán kết, vì một trận hòa vẫn là chưa đủ để họ đi tiếp (với chúng ta, đó lại là một kết quả chắc chắn), họ cũng không dám mạo hiểm khi ai đảm bảo trong trận đấu cùng giờ, Indonesia không để thắng Campuchia với tỷ số từ 3 bàn cách biệt trở lên? Trong cuộc chơi then chốt như thế này, người Thái không hề thích mạo hiểm và khi họ có thực lực vượt trội chúng ta, hà cớ gì họ lại chấp nhận hòa mà không đâm chúng ta 1 kiếm để vừa chắc suất bán kết, vừa diệt được mối nguy hại về sau. Có điều, chẳng ai có thể ngờ, họ không những đâm 1 kiếm, mà đâm đến 3 kiếm xuyên tim, khiến người hâm mộ Việt Nam đau đớn, khóc rơi nước mắt.
Nói đi thì cũng nên nói lại. Trong trận đấu với Thái Lan, rõ ràng HLV Hữu Thắng đã nhập cuộc với một tư tưởng cầu hòa, ông nghĩ rằng, Thái cũng chẳng cần phải dốc hết sức lực. Ông đưa Tuấn Tài, một cầu thủ không có sức áp đặt tốt lên hàng thủ đối phương, khiến đội hình chúng ta bị đầy dồn về phía khung thành thủ môn Phí Minh Long. Ông dùng cặp Tuấn Anh – Xuân Trường, khiến chúng ta mất một người dùng thể lực càn lướt để tranh chấp khu trung tuyến. Đó là lý do, Thái Lan gần như cầm nhịp tuyến giữa, áp đặt lối chơi lên phía chúng ta. Đó là một sai lầm chiến thuật không thể tha thứ, nhưng nó đã rất nhiều lần hiện hữu dưới sự làm ngơ của những người có liên quan, những người, kiểu như đã “lỡ leo lên lưng cọp”, không thể xuống thang.
Cuối cùng, U22 Việt Nam đã thất bại. Thật tiếc cho cả lứa thế hệ đầy tài năng, khi sự kết hợp giữa U22 Hoàng Anh Gia Lai và U20 Việt Nam lại không làm nên chuyện, không thể giải tỏa cơn khát “Vàng” ở đấu trường SEA Games. Tất nhiên, thế hệ này sẽ lớn lên, hứa hẹn sẽ giành những thành công ở các đấu trường khác, U23, cấp đội tuyển, nhưng sự luyến tiếc ngày hôm qua là rất lớn, vì rằng chúng ta vẫn chưa bằng người Thái, vẫn không lọc lõi bằng họ và vẫn chưa học hết bài học vỡ lòng về việc phát triển căn cơ, nội tại của bóng đá Việt Nam nói chung.