Ai gìn giữ V-League?

Nếu đổ hết lỗi không bảo vệ nổi cuộc chơi V-League 2017 ở lượt đi cho Ban tổ chức hay cho đội ngũ trọng tài kể ra cũng có phần thiệt thòi cho họ. 
Phản ứng phi thể thao của khán giả ở một số sân vận động gây ảnh hưởng xấu đến hình ảnh của các giải bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam.
Phản ứng phi thể thao của khán giả ở một số sân vận động gây ảnh hưởng xấu đến hình ảnh của các giải bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam.

Suy cho cùng, trách nhiệm gìn giữ sự trong sạch và dáng vẻ đàng hoàng của giải đấu bóng đá được cho là cao cấp nhất Việt Nam, từng có thời “tự sướng” là hàng đầu Đông Nam Á, phải thuộc về mọi đối tượng tham gia, từ nhà tổ chức, ban trọng tài, các đội bóng, giới truyền thông cho đến người hâm mộ. Như thế mới có thể tính là công bằng.

Không phủ nhận căn nguyên của rắc rối trên sân cỏ đôi khi bắt nguồn từ lỗi nhận định của trọng tài, từ khả năng kiềm chế cảm xúc chưa ổn của cầu thủ, nhưng rõ ràng, còn rất nhiều tác động khác làm ảnh hưởng đến những trận đấu. Chẳng hạn, phản ứng gay gắt quá mức cần thiết của lãnh đạo CLB và HLV một số đội bóng khi xảy ra sự cố góp phần kích động khán giả đốt pháo sáng, quậy phá và chửi thề trên khán đài, gây áp lực nặng nề lên các lực lượng chức năng điều hành trận đấu…

Vốn dĩ, sinh ra luật bóng đá và cơ chế hoạt động chuyên nghiệp cũng như các biện pháp chế tài đi cùng là nhằm bảo vệ cuộc chơi, khép mọi đối tượng vào một khuôn khổ chung nhất, bài bản nhất có thể. Xong, đôi khi chúng ta lại cố tình quên đi điều đó, vội thả cảm xúc của mình trôi theo diễn biến trên sân cỏ, đến khi muốn dừng lại thì chẳng còn kịp nữa. Ban kỷ luật đôi lúc cũng rối, nhà điều hành còn lúng túng hơn trước một cảnh tượng đổ vỡ, nên nhất thời cách giải quyết khó mà thỏa đáng, làm hài lòng được tất cả.

Đích thân Chủ tịch VFF Lê Hùng Dũng hồi đầu năm nay đã phải gay gắt lên tiếng yêu cầu chấn chỉnh tình trạng thi đấu thô bạo, phản ứng phi thể thao của cầu thủ, khán giả ở một số sân vận động ứng xử thiếu văn hóa gây ảnh hưởng xấu đến hình ảnh của các giải bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam nói riêng và bóng đá Việt Nam nói chung. Tất nhiên, riêng đối với đội ngũ điều hành giải đấu, Chủ tịch VFF bắt buộc từ Ban tổ chức cho đến các trọng tài, giám sát phải trung thực, khách quan trong công việc, hạn chế đến mức tối đa những sai sót có thể xảy ra trong và ngoài sân cỏ. Thế rồi nhiều sự cố sau đó vẫn cứ đến, rất ngẫu nhiên và không theo một trình tự nào cả, khiến niềm tin vào V-League và bóng đá Việt Nam bị sụt giảm trong mắt của nhiều người.

V-League không hề có lỗi ngay từ lúc ra đời. V-League được chào đón và kỳ vọng sẽ giúp bóng đá Việt Nam sớm thoát khỏi cái áo nghiệp dư, tiệm cận sự chuyên nghiệp. Vấn đề là ngoài việc tự trấn an mình rằng một ngày nào đó V-League sẽ trở nên đẹp đẽ và đáng xem, ai ở trong cuộc hoặc đứng ngoài quan sát cũng nên góp ý xác đáng và có tính xây dựng vì chúng ta đang cùng nỗ lực gìn giữ V-League, chứ không phải khắt khe để khiến cuộc chơi kém đi hào hứng…

Tin cùng chuyên mục