Câu chuyện về bản quyền truyền hình chỉ là một trong những cách thức mà FIFA đạt mục tiêu bình đẳng giới cho bóng đá nữ. Thay vì bán theo kiểu “bia kèm mồi” cùng với bản quyền World Cup nam, bây giờ FIFA tách gói bản quyền nữ ra. Trước đây chỉ 1-2 triệu USD tượng trưng, giờ FIFA kỳ vọng đạt 10 triệu USD, hoặc tương ứng khoảng 5% so với World Cup 2022 ở Qatar.
Hành động của FIFA được xem như “phát súng lệnh”, kích hoạt hàng loạt chương trình ở nhiều quốc gia Tây Âu xung quanh việc đòi quyền lợi cho bóng đá nữ. Nước Anh vừa triển khai một chương trình do một cựu nữ cầu thủ phát động nhằm đòi tăng lương cho nữ cầu thủ. Điểm khác biệt của nó nằm ở việc đòi chính các CLB ở giải ngoại hạng Anh phải chịu trách nhiệm chứ không nhắm đến các cơ quan quản lý (như Liên đoàn Bóng đá Anh).
Nếu phong trào bình đẳng giới trong xã hội đã có từ lâu và đạt được những bước tiến mạnh mẽ, thì trong bóng đá, mọi thứ gần như đứng yên. Khảo sát mới nhất của hiệp hội cầu thủ chuyên nghiệp cho thấy, cùng một CLB ở giải ngoại hạng Anh nhưng nếu đội nam di chuyển bằng những chuyến bay thuê riêng thì đội nữ vẫn phải đi hạng phổ thông, trong khi nhu cầu hồi phục của nữ lại cần thiết hơn nam. Nghịch lý ở chỗ, các CLB chuyên nghiệp nữ đang yêu cầu những nữ cầu thủ phải lao động gần giống như nam, ví dụ như họ chỉ “nhả người” trước World Cup 7 ngày so với 31 ngày trước đó, hoặc thời gian nghỉ giữa các vòng đấu tại giải vô địch quốc gia chỉ còn 8 ngày so với trung bình 37 ngày trong lần khảo sát trước. Trong khi đó, 86% số cầu thủ chuyên nghiệp tại châu Âu cho biết, họ cần tối thiểu 14 ngày để chuẩn bị cho một giải đấu; 61% thừa nhận mình cần đến 14 ngày nghỉ giữa 2 vòng đấu ở giải vô địch quốc gia. Đây là nhu cầu riêng của giới nữ.
Các phong trào đòi quyền lợi cho nữ cầu thủ không thiếu, nhưng các mục tiêu của FIFA thực sự tạo ra cuộc cách mạng nhờ vào quyền lực của họ. Thật khó có thể tưởng tượng đến chuyện vào World Cup 2027, số tiền thưởng và các khoản phụ phí mà FIFA dành cho bóng đá nữ lại có thể ngang bằng với World Cup nam. Đó là một “quả bom”, và quan trọng là FIFA đang nắm giữ quyền lực để thực thi nó thông qua bản quyền World Cup nam. Cho đến thời điểm này, chưa có giải đấu nào mang tính duy nhất và kinh doanh “siêu lợi nhuận” như World Cup, thế nên nếu một ngày mà FIFA thay vì bán “bia kèm mồi” World Cup nữ theo gói của nam, họ lại yêu cầu phải mua bản quyền nữ nếu muốn mua bản quyền của nam, có lẽ các đài truyền hình cũng phải chịu.
Hiệu ứng này ngay lập tức lan đến Anh. Cựu cầu thủ và là nữ nhà báo thể thao người Anh, Karen Carney, tin rằng bóng đá nữ sẽ là ngành công nghiệp tỷ đô trong vòng 10 năm tới; và vì thế, các nữ cầu thủ xứng đáng nhận được những tiêu chuẩn tối thiểu, ví dụ như các trận đấu của nữ vào thứ bảy cần xuất hiện trong khung giờ đẹp (15 giờ chiều tại Anh) cũng như tiền thưởng phải tăng lên. Bên cạnh đó, Liên đoàn Bóng đá Anh cần tăng chi tiêu cho công tác đào tạo nữ cầu thủ trẻ cũng như bóng đá học đường. Hiện nay, mức đầu tư mỗi năm cho các học viện bóng đá dành cho nam ở Anh là 88 triệu bảng, trong khi con số của nữ chưa đến 4 triệu bảng.
Thực tế, câu chuyện bình đẳng giới trong bóng đá rất khó thực hiện do đặc thù và tập tính văn hóa của mỗi quốc gia. Nhưng FIFA có lý do để tiên phong. Dù chỉ mới khởi động từ năm 1991, nhưng số lượng các đội tuyển nữ dự World Cup đã tăng lên nhanh chóng. Năm 2015, lần đầu tiên nâng từ 16 lên 24 đội; đến năm 2023 đã thành 32 đội. Mức độ phát triển của bóng đá nữ nhanh gấp 6 lần so với nam và con số quốc gia, vùng lãnh thổ muốn có bản quyền phát sóng World Cup nữ 2023 đã lên đến 160, tức là đạt 80% so với World Cup nam. Thế nên, ý tưởng của FIFA rất rõ ràng: Chuyện gì chưa bình đẳng nhưng thu nhập từ World Cup thì chắc chắn phải công bằng.