Vì sao sân Melife ở New York được chọn cho trận chung kết World Cup 2026

Đó là một cuộc cạnh tranh khốc liệt. Bởi đơn giản, đây là nước Mỹ, nơi mà chuyện đăng cai một trận duy nhất như chung kết World Cup đã trở thành cuộc đấu thầu với những chiêu trò vận động hậu trường quen thuộc như chính trường nước Mỹ. Phần lớn các trận chung kết, nếu nó diễn ra tại một quốc gia khác, thì sẽ là sân vận động quốc gia nằm tại thủ đô. Ở Mỹ, Metlife được chọn không hẳn vì nó nằm ở New York – trung tâm tài chính thế giới.

Vì sao sân Melife ở New York được chọn cho trận chung kết World Cup 2026

Sân vận động AT&T của Dallas cung cấp cơ sở vật chất hiện đại tại một địa điểm khổng lồ, phù hợp với qui mô của World Cup, nhưng New York - New Jersey đã mang đến cho FIFA tầm nhìn về một điều gì đó lớn lao hơn. Có 3 địa điểm ở Mỹ được lọt vào vòng chọn lựa cuối cùng cho trận chung kết: SVĐ SoFi ở Los Angeles, SVĐ MetLife ở New Jersey (đây là sân bóng bầu dục và là sân nhà của 2 CLB New York Giants và New York Jets) và SVĐ AT&T gần Dallas, Texas.

Los Angeles được coi là sự lựa chọn đương nhiên để tổ chức một chương trình có tính giải trí toàn cầu như bóng đá, nhưng nó phải đối mặt với ba trở ngại lớn. Đầu tiên là vị trí của nó ở bờ Tây, khiến FIFA gặp khó khăn trong việc sắp xếp thời gian bắt đầu cho phù hợp với thị trường châu Âu. Los Angeles chậm hơn Vương quốc Anh 8 tiếng và chậm hơn Trung Âu 9 tiếng. Điều này khiến lịch trình thi đấu là mối đe dọa tiềm tàng đối với doanh thu phát sóng của FIFA.

Vấn đề thứ hai là quy mô của SoFi: đây là sân nhà của hai đội bóng bầu dục NFL nhưng quá hẹp so với sự mong muốn của FIFA và cần mở rộng để chơi các trận bóng đá. Quá trình đó sẽ loại bỏ số ghế ở khu vực phía dưới, đồng nghĩa với việc giảm sức chứa vốn đã thấp: SoFi đã tổ chức 70.000 chỗ cho trận Super Bowl 2022, nhưng FIFA yêu cầu ít nhất 80.000 chỗ cho sự kiện đỉnh của mình.

Nhưng quan trọng nhất là sự bất đồng về việc phân chia doanh thu giữa FIFA và tỷ phú sở hữu sân vận động SoFi, tỷ phú Stan Kroenke, người có cổ phần tại Arsenal. FIFA kiếm được tiền từ tài trợ và tiền bán vé, đồng thời buộc các nhà tổ chức địa phương phải trả những chi phí lớn như an ninh. Chi phí đó không phải là gánh nặng đối với các địa điểm thuộc sở hữu của chính quyền hoặc của Ban tổ chức địa phương, vì nền kinh tế tại chỗ được hưởng lợi từ việc tổ chức theo những cách khác. Nhưng đối với các cuộc đấu thầu do tư nhân tham gia tổ chức như của SoFi, điều đó có nghĩa là công ty Kroenke Sports & Entertainment phải gánh một khoản chi phí lớn.

2024020418020-65c017a525c84760f65b4222jpeg-7997.jpg

Tỷ phú Kroenke yêu cầu quyền tổ chức những trận đấu lớn nhất để đổi lấy việc đưa sân vận động của mình cho FIFA. Ông này đã vận động hành lang rất nhiều để đăng cai trận chung kết, thậm chí còn đe dọa sẽ rút SoFi hoàn toàn khỏi World Cup nếu không có được những trận đấu hấp dẫn. Về cơ bản, chính đòi hỏi ngược qui tắc FIFA này đã loại SoFi khỏi trận chung kết. Cuối cùng, Kroenke đã được xoa dịu bằng hai trận đấu vòng bảng có sự tham gia của tuyển Mỹ, thêm trận mở màn và trận tứ kết trong tổng số 8 trận đấu được phép chọn.

Cuộc đua còn lại Dallas và New York-New Jersey. Các phương tiện truyền thông đưa tin cho rằng Dallas là nơi được yêu thích nhất nhờ tiêu chuẩn cao về một sân bóng đá đúng chất và cũng ở tại địa phương mà bóng đá là môn thể thao số 1 nhờ cộng đồng cư dân Nam Mỹ. Sân AT&T là nơi cung cấp hoàn hảo với cơ sở vật chất hiện đại bao gồm màn hình video độ phân giải cao khổng lồ, mái vòm di động có thể đóng lại mở điều hòa nếu thời tiết nóng. Sức chứa 100.000 khán giả và kinh nghiệm tổ chức các sự kiện lớn như Super Bowl đã được chứng minh.

att-stadium-dallas-texas-crowd-full-041522-3904.jpg

Thay vì cạnh tranh theo những tiêu chuẩn mà họ biết chắc là không địch lại, New York-New Jersey đã đưa cho FIFA tầm nhìn về một trong những sự kiện thể thao lớn nhất thế giới sẽ diễn ra tại một trong những thành phố nổi tiếng nhất thế giới (Thật ra sân này nằm tại New Jersey). Thống đốc New Jersey, Phil Murphy và thị trưởng thành phố New York, Eric Adams là những người đi đầu trong cuộc đấu thầu. Họ nhấn mạnh lợi ích của múi giờ bờ biển phía đông và đưa ra các con số về mật độ dân số cùng hệ thống giao thông thuận lợi từ New York đến New Jersey. Về cơ bản, họ sử dụng hào quang của New York một cách khéo léo, tổ chức một sự kiện kích hoạt người hâm mộ ở Công viên Trung tâm và tuyên bố việc tổ chức một sự kiện lớn như trận chung kết World Cup là quá đơn giản với New York.

Trong khi đó, sân AT&T không ở Dallas mà ở thành phố nhỏ hơn là Arlington, và mặc dù gần sân bay Dallas Fort Worth hệ thống giao thông không thể so bì với New York. Phía Dallas đã cố gắng biến sân bóng có mái di động của mình thành đặc điểm chính, với hàm ý rằng việc lựa chọn MetLife sẽ gặp rủi ro về điều kiện khắc nghiệt vào thời điểm cao điểm của mùa hè New York. Phía MetLife đã phản hồi bằng nghiên cứu cho thấy những lo ngại về thời tiết chưa bao giờ ảnh hưởng đến các sự kiện lớn trong quá khứ. Họ cũng sử dụng dữ liệu khảo sát để chỉ ra rằng việc lựa chọn MetLife sẽ “mang lại thiện cảm hơn với FIFA” trong lòng người hâm mộ bóng đá Mỹ.

New York-New Jersey đã giành chiến thắng chung cuộc. Thị trưởng thành phố Adams cho biết: “Đây là sân khấu lớn nhất mà bạn có thể tham dự trên toàn cầu. Sự đa dạng của dân cư thành phố sẽ thực sự cho phép bóng đá mở rộng hơn nữa”. Dù thua cuộc, nhưng AT&T vẫn được thưởng tổng cộng 9 trận đấu - nhiều nhất mà bất kỳ sân vận động nào từng tổ chức trong một kỳ World Cup - bao gồm một trong hai trận bán kết.

Los Angeles mang đến sự quyến rũ của Hollywood. New York đưa ra một phần hấp dẫn của Big Apple. Dallas không thể cạnh tranh với điều đó. Jerry Jones, chủ sở hữu của Dallas Cowboys, CLB đang sở hữu sân vận động AT&T cho biết: “Nếu đây là một cuộc đấu riêng tại Mỹ, chúng tôi không thua đâu. Nhưng với bóng đá toàn cầu, rõ ràng người ta sẽ biết đến New York hoặc một Los Angeles. Thật khó vượt qua.”

Tin cùng chuyên mục