Theo quy định về thưởng cho VĐV đạt các thành tích cao trong các đấu trường quốc tế, kể cả SEA Games, dựa trên Nghị định 152/2018/NĐ-CP (ngày 7-11-2018) của Chính phủ thì một HCV tại SEA Games sẽ được thưởng 45 triệu đồng. Một tấm HCB là 25 triệu đồng còn một tấm HCĐ được nhận 20 triệu đồng. Nếu phá kỉ mục SEA Games, tuyển thủ sẽ nhận mỗi kỉ lục 20 triệu đồng tiền thưởng.
Ngoài ra tại SEA Games 31, thưởng “nóng” của Đoàn thể thao dành cho thành tích VĐV là 10 triệu đồng, 5 triệu đồng và 3 triệu đồng tương ứng với mỗi tấm HCV, HCB, HCĐ.
Việt Nam giành HCV môn Kurash. Ảnh: DŨNG PHƯƠNG
Đây là khoản thưởng cứng mà tất cả VĐV chắc chắn nhận được dựa trên thành tích huy chương họ đạt được ở SEA Games 31 tại Việt Nam.
Tuy nhiên, khoản thưởng của từng đội tuyển sẽ khác nhiều do còn thêm các tài trợ và thưởng từ Liên đoàn, Hiệp hội thể thao của môn thể thao có đội tuyển thi đấu SEA Games 31. Vì thế, có tấm HCV sẽ được thưởng tiền tỉ (như bóng đá nam U23, bóng đá nữ) hoặc cũng có tấm HCV chỉ nhận vài chục triệu đồng thưởng thêm. Tất cả phụ thuộc ở quỹ thưởng và nguồn tài trợ kêu gọi được.
HCV 4x400m nữ Việt Nam. Ảnh: DŨNG PHƯƠNG
Sau chiến thắng ấn tượng 1-0 trước U23 Thái Lan ở trận chung kết môn bóng đá nam, U23 Việt Nam đã trở thành đội tuyển mang về tấm HCV cuối cùng cho đoàn thể thao Việt Nam tại SEA Games 31. Trước đó, một loạt các bộ môn như xe đạp, lặn, quần vợt, muay…tiếp tục mang về những HCV sáng chói trong ngày thi đấu cuối, giúp đoàn thể thao Việt Nam xây chắc ngôi vị đầu bảng tổng sắp huy chương.
Số lượng này bỏ xa kỷ lục 194 HCV mà Indonesia có được tại SEA Games Jakarta 1997. Đứng thứ hai trên bảng tổng sắp là đoàn Thái Lan với 92 HCV, trong khi đoàn Indonesia đứng vị trí thứ ba với 69 HCV.
Trưởng Đoàn thể thao Việt Nam tại SEA Games 31 – ông Trần Đức Phấn khẳng định, câu chuyện SEA Games với đấu trường ASIAD và Olympic là hoàn toàn khác. Việc giành được 205 tấm HCV trong các nội dung ở SEA Games 31 không đồng nghĩa chúng ta bước ra sân chơi lớn hơn là ASIAD 19-2022 và dự vòng loại Olympic Paris (Pháp ) 2024 là chiến thắng tuyệt đối.
Nguyễn Huy Hoàng được đánh giá là có triển vọng giành huy chương tại ASIAD 19. Ảnh: DŨNG PHƯƠNG
Hiện tại, ASIAD 19-2022 đã tạm hoãn thời điểm tổ chức nhưng sự chuẩn bị là không thể dừng lại. “Sau khi xem xét các nội dung để hướng tới ASIAD 2022 (dự kiến ban đầu là tháng 9-2022), chúng tôi đã len kết hoạch tập trung đầu tư cho một nhóm VĐV gồm 30 tuyển thủ. Dựa vào chuyên môn hiện tại, chuẩn bị cho tương lai ASIAD 19-2022 và Olympic Paris 2024.
Tiếc rằng, ASIAD 19-2022 dời lịch chưa có thông tin cụ thể khi nào tổ chức. Đến ASIAD, thể thao Việt Nam đặt mục tiêu từ 3 tới 4 HCV trong 30 VĐV này. Cao nhất cũng chỉ là 5 tấm HCV. Mục tiêu và lực lượng còn hướng tới những giải đấu quan trọng tương lai xa hơn. Chúng ta chưa khoanh vùng được cho đầu tư bài bản. Nguồn lực đầu tư còn hạn chế. Số lượng VĐV chúng ta có thể đạt được HCV ở ASIAD vẫn rất khó.
Bắn cung rất khó cạnh tranh ở đấu trường châu lục. Ảnh: DŨNG PHƯƠNG
Tuyển thủ Nguyễn Huy Hoàng (bơi lội) là người được nhắm cho đấu trường ASIAD chứ Olympic vẫn chưa thể. Môn điền kinh có thể có 1 hoặc 2 nội dung tập trung đầu tư cao vẫn có thể có huy chương ASIAD. Môn bắn súng khi có trường bắn điện tử của SEA Games 31 rồi thì có cơ hội đào tạo thêm xạ thủ đạt huy chương.
Môn bắn cung có khả năng tranh chấp nếu VĐV thi đấu đúng khả năng. Thực tế, các môn đối kháng thuộc nhóm võ thuật bước ra sân chơi châu Á ở ASIAD gần như không có cơ hội. Kể cả taekwondo, karate, vật, judo... Bước tới đấu trường Olympic thì càng khó hơn”, ông Phấn khẳng định.