Chặng đường đầy biến cố
Sự phát triển trong 20 năm qua của V-League cũng gần giống như quá trình phát triển của một con người. Ban đầu hoàn toàn dựa vào người khác, sau đó là “dậy thì” và có được tuổi 20 vừa đủ cứng cáp để “vào đời”.
V-League ra đời năm 2001 và vận hành dựa trên nguồn tiền trọn gói từ Công ty Tiếp thị thể thao Strata. Công ty này độc quyền khai thác thương mại, trả cho VFF một khoản tiền cố định chừng 2 triệu USD cho 3 mùa bóng. Các CLB khi đó nhận một khoản tiền cộng với doanh thu từ bán vé, trong khi các quyền lợi quảng cáo đều thuộc về Strata.
Trên thực tế, nó chỉ là một phiên bản bao cấp mới vì hầu như các CLB không kinh doanh gì cả. Trước họ “sống” nhờ tiền ngân sách, nay nhờ tiền của đối tác tổ chức. Họ làm ăn tốt thì V-League sống và ngược lại. Strata làm được 3 năm, kế tiếp là Công ty Quảng cáo Đất Việt thêm 3 năm. Đến 2007, khi không còn ai thầu quảng cáo, bóng đá Việt Nam rơi vào “thảm cảnh” vì VFF phải tự bỏ tiền túi tổ chức giải. Mùa 2007, chỉ có giai đoạn 2 là nhận được tài trợ 4 tỷ đồng từ hãng Euro Window.
Phải đến năm 2012, khi Công ty VPF ra đời với sự tham gia của một số ông bầu, V-League mới dần đi đúng định hướng chuyên nghiệp mà LĐBĐ châu Á (AFC) khuyến cáo. Nghĩa là công ty này đại diện cho các CLB tham dự giải để tự kinh doanh bản quyền thương mại của giải đấu. Bên cạnh đó, CLB cũng được phép khai thác nguồn thu riêng. Quá trình phát triển của VPF không hề bằng phẳng, nhưng ít ra công ty này vẫn còn tạo ra được những “sản phẩm” để kinh doanh và có lợi nhuận chia lại cho các CLB dưới nhiều hình thức khác nhau.
Tuổi 20 vừa đủ cứng cáp
Dịch Covid-19 là một phép thử khốc liệt nhưng cũng là thước đo chân thực nhất về năng lực của V-League. Không có đội bóng nào phải bỏ giải vì lý do tài chính. Nhà tổ chức vẫn tái ký được với những nhà tài trợ dù việc ngưng, hoãn thi đấu ảnh hưởng không nhỏ đến quyền lợi của đối tác. Các chi tiết này cho thấy nội lực của từng đội bóng đã có chiều sâu.
Nếu năm 2001, tổng doanh thu của V-League chỉ vào khoảng 1 triệu USD, thì hiện nay VPF hàng năm phải có hơn 100 tỷ đồng mới vận hành được giải đấu. Nói cách khác, dòng tiền để V-League hoạt động mỗi mùa hiện nay đã đạt đến con số 1.000 tỷ đồng.
Sự phát triển của V-League có thể được ghi nhận qua những cột mốc như sau: Năm 2010, giải đấu này được xếp trong tốp 50 giải vô địch quốc gia có giá trị nhất hành tinh. Hai năm 2009 và 2018, Bình Dương và Hà Nội FC vào đến bán kết AFC Cup. V-League cũng đã có sự góp mặt của siêu sao thế giới như Denilson, nhà cầm quân vô địch Cúp C1 châu Âu Petrovic, hay cầu thủ từng đá World Cup trong màu áo Nhật Bản như Daisukei Matsui. Cầu thủ Việt Nam như Đặng Văn Lâm, Công Phượng, Công Vinh, Văn Hậu, Xuân Trường đã sang chơi bóng ở các giải đấu hàng đầu châu Á, châu Âu. Và quan trọng hơn cả, chỉ có trong giai đoạn của V-League thì đội tuyển Việt Nam mới đạt thành công vang dội khi vào đến tứ kết Asian Cup 2007, 2019 và vô địch AFF Cup 2008, 2018.
Cuối cùng, không có gì đo lường chất lượng của giải đấu tốt hơn mối quan tâm của người hâm mộ. Trung bình mỗi mùa giải, V-League luôn ổn định ở mức 7.000 - 10.000 khán giả đến sân. Con số này vượt trội so với bình quân 6.000 người tại Thai-League, giải đấu chuyên nghiệp của Thái Lan. Còn nếu tính riêng ở Việt Nam, V-League vẫn là sự kiện thể thao lớn nhất, quan trọng nhất.
Doanh nghiệp hóa bóng đáMang tên là giải vô địch quốc gia chuyên nghiệp, nhưng 20 năm trước, trong số 10 đội bóng dự giải chỉ có Cảng Sài Gòn được tạm xem là “công ty”, 9 đội còn lại vẫn thuộc địa phương và ngành. Hiện tại, các CLB đã hoàn toàn độc lập như pháp nhân một doanh nghiệp tư nhân. Đây là quy định bắt buộc của AFC. Trong số 10 CLB dự giải chuyên nghiệp 2000-2001, hiện vẫn còn 2 CLB dự mùa 2021 là SLNA và Nam Định (V-League hiện có 14 đội tranh tài). Trong 20 năm qua có hơn 35 đội khác nhau dự V-League; có 12 đội vô địch, trong đó có những cái tên hoàn mới như HA.GL, Đồng Tâm Long An, Bình Dương hay Viettel. Ngược lại, 21 mùa giải vô địch quốc gia trước khi V-League ra đời chỉ ghi nhận 9 cái tên khác nhau từng đăng quang. Tính cạnh tranh của V-League rõ ràng có khác biệt, bởi nó giúp nguồn tiền đầu tư của xã hội vào bóng đá nhiều hơn. Trong số 14 CLB dự V-League hiện nay, ngoài Sài Gòn, Hà Tĩnh và Than Quảng Ninh, các CLB còn lại đều có nhiều hơn 10 năm tồn tại. Cuộc sàng lọc của 20 năm qua đã tạo ra một nền tảng vững chắc cho bóng đá Việt Nam. Y.PHƯƠNG |