Nhưng vấn đề đặt ra ở đây là liệu những người có trách nhiệm đã có các giải pháp để giúp các nữ VĐV, HLV hay trọng tài, giám sát, chuyên gia… tìm được sự công bằng so với các đồng nghiệp nam hay chưa? Nghĩa là không cần phải du di giảm bớt các tiêu chuẩn, mà là việc hỗ trợ họ hoàn thành các tiêu chuẩn ấy một cách tốt nhất.
Thực tế cho thấy, số lượng VĐV nữ không hề thua kém so với nam. Trong đoàn VĐV dự SEA Games các kỳ gần đây, nữ chiếm đến 45%. Thành tích của họ lại càng không kém hơn, nhưng số VĐV giỏi sau khi giải nghệ trở thành chuyên gia, HLV hay các thành phần khác trong nền thể thao thì lại lép vế hoàn toàn so với đồng nghiệp nam. Rất nhiều đội tuyển của nữ đều do HLV nam phụ trách, là một ví dụ. Như vậy có thể hiểu, không chỉ chịu nhiều thiệt thòi trong quá trình thi đấu, mà đến lúc giải nghệ, ngay với công việc chuyên môn thì VĐV nữ cũng không có cơ hội “sống với nghề”.
Trong khi đó, lấy ví dụ như công việc trọng tài, hiện các giải đấu hàng đầu thế giới như Anh, Đức, Italy đều đã sử dụng các trợ lý trọng tài nữ. Về mặt thể hình, thể chất, các trọng tài nữ này cũng kém hơn đồng nghiệp nam, nhưng kỹ năng nghề nghiệp của họ lại không thua kém. Nguyên nhân là các trọng tài nữ được Liên đoàn Bóng đá Anh hỗ trợ tối đa với mức độ cao hơn các trọng tài nam rất nhiều. Họ được phân công thổi nhiều trận đấu tuổi U, được tài trợ cơ sở tập luyện, được ưu tiên trong việc sử dụng các nguồn lực công… Nói cách khác, họ có nhiều thứ mà trọng tài nam không có nên dần dần cũng đạt được các tiêu chuẩn tương tự đồng nghiệp khác giới.
Trọng tài nữ ở Việt Nam chủ yếu thổi các trận đấu bóng đá nữ vốn dĩ có chất lượng, số lượng kém xa bóng đá nam. Trong môi trường ấy, rất khó để phát triển bản thân, chưa kể cộng đồng trọng tài nữ cũng ít ỏi, thiếu tính cạnh tranh. Như vậy, bản thân Hà Thị Phượng dù đạt đẳng cấp FIFA của bóng đá nữ nhưng vẫn chưa bằng một trọng tài cấp quốc gia tại giải hạng nhất. Cái thua kém của cô chính là môi trường để phát triển bản thân, và đó là điều mà những nhà quản lý phải quan tâm.
Đây cũng là câu chuyện chung cho các công việc khác như HLV, chuyên gia, giám sát, quản lý thể thao… dành cho nữ giới. Những khóa học nghiệp vụ vốn dĩ đã rất ít với các VĐV nam sau giải nghệ, thì lại càng hầu như không có với VĐV nữ. Nỗ lực “bình đẳng giới”, tạo sự công bằng về đời sống cho VĐV nữ cần được thực hiện thiết thực hơn để trọn vẹn ý nghĩa.