Chuyên gia Đoàn Minh Xương, người tích cực nhất trong việc nâng tầm cho bóng đá học đường, cho biết: “Bóng đá học đường TPHCM đã vận hành được 7 năm, từ nhiệm kỳ V. Khi đội TPHCM thăng hạng nhất vào năm 2012, sau đó tôi đã đề xuất HFF triển khai chương trình bóng đá học đường. Trước hết, đó là nhu cầu tập luyện và thi đấu chính đáng của học sinh trường học toàn thành phố, và tôi tin sẽ thành công sau khi khảo sát. Rất mừng là lãnh đạo HFF đã chấp thuận”.
Theo kết quả khảo sát từ bộ phận chuyên môn của HFF thời điểm đó, có 28% học sinh tiểu học đam mê và có nhu cầu tập luyện bóng đá. Năm học 2013-2014, chương trình bắt đầu khởi động với 48 trường sau đợt khảo sát về sân bãi, chất lượng giáo viên thể dục biết bóng đá và điều quan trọng là sự ủng hộ từ ban giám hiệu các trường. Sau cùng, số lượng trường đã được chốt lại với con số là 41, thí điểm là các em lớp 3. Từ sự khởi đầu thành công đó, các chương trình tiếp theo sau cho đến năm 2018 đã thu hút sự quan tâm của các trường, điều đó đã đánh dấu sự thành công của Sở VH-TT, Sở GD-ĐT và HFF.
Đến năm học 2019-2020, số lượng trường học tham dự đã lên đến con số 234 với gần 15.000 học sinh và phạm vi tập luyện cũng được mở rộng hơn, thay vì chỉ gói gọn ở khối lớp 3. Festival Bóng đá học đường hàng năm đã trở thành ngày hội bóng đá của học sinh. Cũng từ thành công đó, sau năm đầu tiên sử dụng nguồn tiền của nhà nước, cụ thể là HFF, những năm sau cho đến nay đã có sự đồng hành của nhãn hàng Milo Nestlé, Công ty Thái Sơn Nam để các trường thuận lợi trong việc triển khai dự án.
Từ thành công của chương trình, cộng hưởng với thành tích của đội tuyển Việt Nam những năm qua, càng gia tăng sự yêu thích, đam mê của các em nhỏ với bóng đá. Khảo sát gần đây nhất của bộ phận chuyên môn HFF từ các trường học đã đem về con số phấn khởi với 32% học sinh yêu thích bóng đá. Quá trình thực hiện chương trình đã từng bước xây dựng, bồi dưỡng lòng yêu nghề, nâng cao trình độ chuyên môn bóng đá cho một bộ phận giáo viên để làm lực lượng nòng cốt cho việc phát triển chương trình trong tương lai.
Theo chuyên gia Đoàn Minh Xương, điểm hạn chế của chương trình hiện tại là điều kiện sân bãi, vì có những trường thiếu sân (thậm chí phải tập trên sân xi măng), hoặc giáo viên thể dục không phải ai cũng rành bóng đá. Dù đã được đầu tư tốt hơn, nhưng một số trường vẫn còn nhiều hạn chế, chưa đáp ứng được công tác tổ chức, giảng dạy.
Theo ông Xương, chương trình bóng đá học đường ở TPHCM tới đây sẽ tiếp tục nâng chất lượng, nếu thuận lợi thì mở rộng; còn không thì cố gắng duy trì, nâng cao chất lượng. Từ thành công trên, đã có nhiều địa phương như Cần Thơ, Đồng Tháp, Đắk Lắk, Bình Định đã liên hệ HFF để tham khảo và phát triển phong trào bóng đá học đường ở địa phương.