Ngày thi đấu 10-5 được chú ý nhất với sự tranh cãi tại môn pencak silat trong trường hợp trận chung kết nữ hạng 50-55kg mà chúng ta có võ sĩ Nguyễn Hoàng Hồng Ân góp mặt. Bầu không khí nóng tại khu nhà thi đấu võ thuật của SEA Games 32 đã khiến nhiều người không giữ được bình tĩnh làm nên cảnh huyên náo khi có những khiếu nại đưa ra và suýt chút nữa, kết quả của trọng tài sàn (khi đó đã quyết định cho Hồng Ân giành chiến thắng theo quy định RSC – luật cho dừng trận đấu khi có tuyển thủ gặp chấn thương không còn khả năng thi đấu) bị phủ quyết.
Thời điểm đó, lãnh đạo Đoàn thể thao Việt Nam đã có mặt và Phó trưởng Đoàn – ông Hoàng Quốc Vinh là người trực tiếp giải quyết sự việc. Bình tĩnh đưa những lý lẽ để ban trọng tài không thể phủ quyết sự công bố quyết định của trọng tài sàn, vị Phó trưởng Đoàn thể thao Việt Nam đã làm cho ra nhẽ bởi không có sự cứng rắn và một cái đầu lạnh cương quyết như vậy, rất có khả năng chúng ta đã mất tấm HCV của Hồng Ân.
“Tôi có nhiều năm làm việc trong các giải đấu của các môn võ thuật. Không ít các tranh cãi xảy ra. Điều này không có gì bất ngờ. Tuy nhiên, trước những tình huống như vậy chúng ta phải đủ lý lẽ và đúng để phản biện lại các quyết định chưa phù hợp, bằng không tuyển thủ của mình sẽ bị thiệt. Sau tình huống trên, ban huấn luyện đội pencak silat Indonesia đã gặp mặt và bắt tay chúng ta, hai bên đều hiểu được sự bức xúc là bởi tất cả đều muốn tuyển thủ có được kết quả thi đấu công tâm nhất. Trọng tài kỹ thuật (ITO) đã giải quyết chính xác kết quả cuối cùng và chúng ta nhận được văn bản trả lời sau khi đã có đơn khiếu nại tức thì. Điểm quan trọng nhất là phải xử lý tình huống đúng thời điểm bằng không là chúng ta dễ gặp thiệt thòi”, ông Hoàng Quốc Vinh chia sẻ sau sự việc.
Đúng như vị Phó trưởng Đoàn thể thao Việt Nam phân tích, ở bất cứ môn võ nào, đặc biệt là thi đấu đối kháng có tính cạnh tranh cao ở SEA Games, sự phản ứng xảy ra là bình thường. Để có được một sự hài hòa, chính xác và đảm bảo được quyền lợi cho tuyển thủ, vai trò người lãnh đội rất cần thiết. Thật tiếc khi ở kỳ SEA Games 32 này, chúng ta vắng lãnh đội trực tiếp của môn pencak silat và võ gậy (arnis) vì lý do khách quan. Tuy nhiên, Đoàn thể thao Việt Nam luôn có cán bộ hoặc lãnh đạo Đoàn thể thao được phân công theo dõi trực tiếp thi đấu ngay tại sàn nhằm đảm bảo được tốt nhất kết quả thành tích thắng, thua không bị tranh cãi.
Tính tới thời điểm này, một số môn võ đã khép lại tranh tài ở SEA Games 32 như karate, vovinam, jujitsu, kun bokator hay sắp tới là kun khmer, boxing thì chưa xảy ra những tranh cãi đáng kể. Nhà tổ chức đã làm công tác điều hành đảm bảo tốt chuyên môn. Tiếp theo, nhiều môn võ thuật khác tiếp tục như taekwondo, judo, vật, arnis..., chắc chắn không riêng Đoàn thể thao Việt Nam mà tất cả các Đoàn thể thao khác cũng rất chú ý về vai trò của lãnh đội để đảm bảo được quyền lợi cho tuyển thủ của mình.