Làm gì để vực dậy bóng đá TPHCM?

Bài 2: Tiền không phải là tất cả!

Ý kiến người hâm mộ
Bài 2: Tiền không phải là tất cả!

Một tin vui cho bóng đá TPHCM: Công ty Thép Việt Nam, ngành TDTT cùng Liên đoàn bóng đá TPHCM khẳng định sẽ “chống lưng” kinh phí chuẩn bị cho mùa bóng mới của CLB TPHCM ở giải hạng Nhất với khoảng 25-30 tỷ đồng, chưa kể những khoản tiền vận động thêm từ các nhà tài trợ khác nữa. Vậy là CLB TPHCM được cứu? Đúng, nhưng chưa đủ! Chưa đủ ở chỗ, sự tồn tại của một đội bóng không chỉ nhờ vào đồng tiền, nhờ vào sự thịnh vượng của nguồn kinh phí từ các nhà tài trợ. Mà sự tồn tại và phát triển của một đội bóng còn cần rất nhiều những yếu tố quan trọng khác nữa.

Bồi dưỡng nguồn lực từ tuyến trẻ là nhiệm vụ cấp bách hiện nay của bóng đá TPHCM. Ảnh: DŨNG PHƯƠNG

Bồi dưỡng nguồn lực từ tuyến trẻ là nhiệm vụ cấp bách hiện nay của bóng đá TPHCM. Ảnh: DŨNG PHƯƠNG

Cách đây vài ngày, trong chuyến thăm và làm việc với 2 đội bóng của TPHCM, Chủ tịch UBND TPHCM Lê Hoàng Quân từng nói thẳng: “Bóng đá TPHCM không thiếu nhân tài, nhưng quan trọng là phải đồng tâm hiệp lực để làm. Không phải có tiền mới trụ hạng, mới vô địch mà đòi hỏi nhiều yếu tố khác nữa”, để chỉnh huấn lại tư tưởng “chỉ có tiền mới làm được bóng đá” trong suy nghĩ của giới chức bóng đá TPHCM.

Vậy những yếu tố quan trọng khác là gì? Là một nguồn nhân lực ổn định, công tác đào tạo cầu thủ trẻ vững chắc, HLV có tâm huyết, các cầu thủ chịu chơi bóng vì niềm tự hào của người TPHCM… và tất cả cần thêm một điều quan trọng khác: sự đồng lòng của những người tham gia vào cuộc cải tổ bóng đá TPHCM! Nếu thiếu những điều nói trên, bóng đá của thành phố sẽ chẳng thể khá nổi, dù có được nuôi bằng nguồn kinh phí khổng lồ vài chục, vài trăm tỷ đồng mỗi năm.

Thế nên, suy cho cùng, lời chỉ đạo của Chủ tịch UBND TPHCM Lê Hoàng Quân mới đây chủ đích là nhằm vào suy nghĩ của giới chức làm bóng đá nói riêng và thể thao nói chung chỉ quẩn quanh với chữ “tiền”. Có tiền nhiều, nhưng “quân không tinh, tướng chẳng giỏi”, thì đội bóng cũng không thể phất được. Vì thế, khi tự bó mình trong phạm vi nhỏ hẹp ấy, suy nghĩ không thanh thoát được và thật khó để đưa ra những giải pháp thấu đáo nhất cho công cuộc cải tổ bóng đá TPHCM.

Lúc này đây, người làm bóng đá TPHCM nên xem lại công tác đào tạo trẻ còn nhiều khiếm khuyết của mình. Trên địa bàn thành phố, thời gian qua xuất hiện khá nhiều trung tâm đào tạo trẻ, chẳng hạn như Scavi Rocheteau, Arsenal-Vinamilk và sắp tới nữa là Học viện bóng đá Aspire… hoàn toàn có thể trở thành nguồn cung cấp cầu thủ cho các đội bóng TPHCM, nếu mối quan hệ tiến triển theo chiều hướng tốt đẹp. Nói thẳng ra, TPHCM không thiếu tài năng, nhưng cách khai thác và sử dụng nguồn tài năng ấy của người làm bóng đá chưa hiệu quả.

Đồng Tháp, Sông Lam Nghệ An, Long An, Nam Định… không thể giàu tiềm lực tài chính được như TPHCM, nhưng công tác đào tạo cầu thủ trẻ của họ luôn rất tốt, có sự xuyên suốt và vững bền. Đồng thời, Trường Nghiệp vụ TDTT - cái nôi từng sản sinh ra những tài năng cho bóng đá TPHCM như Đặng Trần Chỉnh, Võ Hoàng Bửu, Lư Đình Tuấn, Nguyễn Phúc Nguyên Chương, Nguyễn Văn Phụng… cũng cần nhận thấy rằng đào tạo nguồn cầu thủ kế cận là trách nhiệm thực sự, chứ không phải nuôi quân xong thì chuyển giao cho các đội bóng khác, mà không phải cho CLB TPHCM như thời gian vừa qua.

Lê Quang

Ý kiến người hâm mộ

Khi người hâm mộ chờ đợi vào một sự thay đổi để đưa bóng đá TPHCM trở lại sân chơi cao nhất của bóng đá Việt Nam, chỉ thấy sự trốn tránh trách nhiệm, đòi hỏi về quyền lợi kinh tế mà quên mất nghĩa vụ của mình sau toàn những sai lầm. Nghe những lời phát biểu của các vị lãnh đạo bóng đá, chợt cảm thấy thất vọng. Đời người ai chẳng một lần gục ngã, vấn đề là họ có biết gượng dậy và làm lại sau những thất bại hay không mà thôi. Chẳng có chút thiện chí nào, dù là một ít. Người ta chỉ biết đổ lỗi, công kích lẫn nhau mà quên mất rằng, phải bắt tay vào công việc ngay bây giờ, trước khi mọi việc đã  trở nên quá muộn.

Minh Trí (Q.2, TPHCM)

Đã có biết bao nhiêu ý kiến đóng góp của giới chuyên môn và người hâm mộ để vực dậy bóng đá TPHCM, từ việc làm lại tuyến trẻ, trọng dụng và mời gọi nhân tài đến tìm chủ mới mạnh tài chính cho đội bóng, làm mới bộ sậu HFF… Đó là những điều cơ bản mà các đội bóng mạnh ở Việt Nam đã và đang làm. Nhưng từ chỗ nói đến biết làm là khoảng cách diệu vợi lắm. Bởi làm lại một đội bóng cần nhiều năm với bao trắc trở, rủi ro. Tìm đâu ra những ai đủ tâm huyết và cả dũng cảm, dám đặt lợi ích của bóng đá, niềm tự hào của người hâm mộ lên trên tất thảy để gắn bó lâu dài với CLB TPHCM trên nhiều phương diện: HFF, nhà tài trợ, HLV trưởng, cầu thủ…?

Trần Chí Liêm (Cần Thơ)

- Thông tin liên quan: Bài 1: Khơi dậy niềm đam mê

Tin cùng chuyên mục