Theo đánh giá của ông Trần Đức Phấn, Trưởng đoàn Thể thao Việt Nam, SEA Games 31 đã chứng kiến nhóm môn thuộc hệ thống thi đấu của Olympic cho kết quả khả quan, trong đó nhiều gương mặt hứa hẹn sẽ tỏa sáng ở các sân chơi lớn hơn, như Asiad hay Olympic.
Điền kinh, bơi lội, cử tạ, thể dục hay bắn súng đã thay thế để tạo nên một màn bứt phá ngoạn mục. Thậm chí, riêng đội tuyển điền kinh đã giành đến 22 HCV, điều chưa từng làm được trong quá khứ. Môn thể thao “nữ hoàng” trình làng nhiều gương mặt triển vọng, như Lê Tiến Trọng (3.000m vượt chướng ngại vật), Nguyễn Linh Na (7 môn phối hợp), Lò Thị Hoàng (ném lao nữ), Bùi Thị Nguyên (100m rào nữ), Vũ Thị Ngọc Hà (nhảy xa nữ), Nguyễn Tiến Trọng (nhảy xa nam), Nguyễn Hoài Văn (ném lao nam)… Điều này rất có lợi cho điền kinh Việt Nam hướng đến những đấu trường cao cấp hơn.
Tất nhiên, SEA Games 31 cũng là dịp để giới làm nghề nhìn nhận rằng một số cự ly tốc độ từng có giai đoạn giúp điền kinh Việt Nam tạo dựng vị thế (100m, 200m nam và nữ, 400m nam) hiện đang thua sút so với bạn bè. Cho nên, chiến thắng của điền kinh kể ra vẫn chưa thật trọn vẹn cho lắm.
Ở đường đua xanh, giới làm nghề phần nào nguôi ngoai nỗi nhớ “siêu” kình ngư Nguyễn Thị Ánh Viên, khi các chàng trai Nguyễn Huy Hoàng, Trần Hưng Nguyên, Phạm Thanh Bảo liên tiếp tạo nên những cột mốc thành tích đáng nể. Kể cả kình ngư 16 tuổi Nguyễn Quang Thuấn (em trai của Ánh Viên) cũng cho thấy triển vọng ở cự ly thiên về sự đa năng như 400m cá nhân hỗn hợp, trong khi nữ kình ngư Võ Thị Mỹ Tiên (HCB 800m và 1.500m tự do nữ) tiệm cận trình độ của các VĐV bơi hàng đầu Singapore.
Giành tổng cộng 11 tấm HCV, vượt chỉ tiêu 10 HCV đề ra ban đầu, đội tuyển bơi lội Việt Nam dưới góc nhìn của bà Lê Thanh Huyền (phụ trách bộ môn thể thao dưới nước của Tổng cục TDTT), là “rất có tiềm năng thành tích ở những sân chơi lớn hơn trong tương lai”. Những chuyến tập huấn và thi đấu ở Hungary và châu Âu thời gian qua đã giúp các tuyển thủ tiến bộ mau chóng, cả về tâm lý thi đấu lẫn trình độ chuyên môn.
Có điều, trăn trở lớn nhất của bơi lội Việt Nam là sau giai đoạn hoàng kim mà Nguyễn Thị Ánh Viên tạo nên, vẫn chưa có kình ngư nữ nào đến gần với đẳng cấp của cô, đủ để khiến các đối thủ mạnh của Singapore phải nể nang và đủ để vun đắp cho mục tiêu Asiad hay Olympic.
Trong nhóm môn thuộc Olympic, các tuyển thủ karate, taekwondo, judo, quyền Anh, vật, đấu kiếm... cũng đã thể hiện rất tốt, tiêu biểu như Vũ Thành An (đấu kiếm), Trương Thị Kim Tuyền (taekwondo), Nguyễn Thị Thanh Thủy (judo), Nguyễn Thị Tâm (quyền Anh) đều giành được HCV. Nhưng điều quan trọng hơn là họ đã phô diễn đẳng cấp nhỉnh hơn đối thủ của mình, tạo thêm niềm tin khi hướng đến Asiad 2022 (dời lịch tổ chức đến năm 2023) và Olympic Paris 2024.
Nhưng để có thể giành được huy chương cử tạ, quyền Anh, bơi lội, cầu lông như VĐV các quốc gia Thái Lan, Singapore, Malaysia, Indonesia ở Olympic thì sự chuẩn bị và đầu tư của ngành TDTT Việt Nam với một chiến lược bài bản, có nguồn lực mạnh là cần thiết. Cho nên, ngay cả khi giành 205 HCV tại SEA Games 31, thì đến Asiad 2022, thể thao Việt Nam chỉ dám khiêm tốn đặt mục tiêu giành 3-5 HCV.
Mặc dù vậy, chính ông Trần Đức Phấn cũng nhìn nhận, không phải tất cả các môn Olympic đều mang lại sự yên tâm, vì vẫn còn những nội dung chưa thành công và cần được đầu tư trọng điểm hơn nữa. Chẳng hạn, đội tuyển bắn cung Việt Nam được kỳ vọng nhưng không giành được tấm HCV nào ở đại hội thể thao khu vực. “Chúng tôi sẽ có những đánh giá và yêu cầu bộ môn bắn cung phải phân tích nguyên nhân vì sao, đưa giải pháp như thế nào đối với bắn cung do đây là môn trọng điểm để có đầu tư chuẩn bị Asiad, vòng loại Olympic”, ông Phấn nhấn mạnh.
Kết thúc SEA Games 31, thể thao Việt Nam có 2 tuyển thủ được vinh danh “VĐV xuất sắc nhất đại hội”, gồm Nguyễn Thị Oanh (điền kinh) và Nguyễn Huy Hoàng (bơi lội). Trong khi đó, các đội tuyển thể thao bắn cung, nhảy cầu, bowling, futsal, bóng rổ, cầu mây, bóng chuyền trong nhà, bóng chuyền bãi biển, cầu lông không giành được HCV cho Đoàn thể thao Việt Nam. |