Brexit tác động đến nền thể thao phát triển của Anh tới mức nào thì chưa biết, nhưng kỳ chuyển nhượng mùa đông vừa qua là cao thứ 2 trong lịch sử. Chúng tôi sẽ giúp độc giả hình dung rõ hơn về thực trạng của thể thao xứ sở này ở thời điểm hiện tại.
Chưa đến mức nghiêm trọng
Do tiến trình Brexit kéo dài tương đối lâu, lại có tác động nhanh đến các lĩnh vực kinh tế - xã hội, nên các giải pháp cho vấn đề Brexit đối với thể thao Anh quốc nói chung là không nhiều. Thậm chí, theo đánh giá của Giáo sư Simon Chadwick thuộc khoa Doanh nghiệp Thể thao tại Đại học Salford, Manchester: “Theo như tôi biết, không có hướng dẫn cụ thể nào được ban hành cho ngành thể thao”.
Lần cuối cùng có một hướng dẫn về thể thao đã được đăng trên website của Bộ Kỹ thuật số, Văn hóa, Truyền thông và Thể thao (DCMS) là hồi đầu tháng 10-2019. Sport England, đơn vị quyết định việc phân bổ tiền của chính phủ cho các hiệp hội và dự án thể thao từ chối đưa ra bình luận.
Liên minh Thể thao và Giải trí (đại diện cho hơn 300 tổ chức thể thao ở nhiều cấp độ khác nhau tại Anh) ước tính, ngành thể thao đóng góp khoảng 37 tỷ bảng mỗi năm cho nền kinh tế, với hơn một triệu người làm các công việc liên quan đến thể thao. Thông tin của Chính phủ thì thấp hơn, một tài liệu năm 2018 cho thấy, có 581.000 người được tuyển dụng trong lĩnh vực này, trong đó 21.000 người (3,6%) là công dân EU.
Có một đặc thù ở thể thao Anh, đó là nhà nước vẫn đang bao cấp một phần cho khá nhiều môn thể thao. Đây là một phần trong chiến lược “quyền lực mềm” và đầu tư cho đời sống cơ sở. Như vậy, Brexit lại càng khiến chính phủ tiếp tục chi tiền cho hệ thống thi đấu đỉnh cao để gia tăng hình ảnh một nước Anh được mô tả như “siêu cường”. Tất nhiên, tiền đổ vào phần đỉnh cao sẽ giảm đi đầu tư ở cấp độ nghiệp dư và thể thao học đường. Chính phủ Anh có chủ trương xã hội hóa thể thao các trường học và cộng đồng thông qua chính sách đổi đất lấy hạ tầng.
Ảnh hưởng nhiều nhất không phải nằm ở môn bóng đá, nơi có nhiều cầu thủ nước ngoài đến làm việc, mà lại thuộc các môn nhà nghề nhưng có sự phổ biến thấp hơn bóng đá. Đua ngựa là một ví dụ điển hình cho sự tổn thương thời hậu Brexit. Môn thể thao nặng tính giải trí và khá hấp dẫn này hiện thiếu khoảng 1.000 công nhân tham gia phục vụ tại các trường đua, các khu quần ngựa, trong khi có đến 10% lao động ở môn này đến từ EU.
Môn đua xe F1 là ví dụ khác do đặc điểm phụ thuộc vào chuỗi cung ứng xuyên biên giới của môn chơi này. 7/11 đội đua F1 đang nằm ở Anh, trụ sở ban tổ chức F1 cũng ở London.
Những bất lợi
Các nhà điều hành môn cricket và bóng bầu dục bày tỏ mối lo ngại về khả năng thu hút và giữ chân các tài năng hàng đầu xung quanh cái gọi là “Quy tắc Kolpak”, được đặt theo tên Maros Kolpak - một cầu thủ bóng ném người Slovakia. Qua đó, công dân của các quốc gia là một phần của Hiệp định Hiệp hội Liên minh châu Âu (các hiệp ước thương mại tự do giữa EU và 78 quốc gia châu Phi, Caribbean và Thái Bình Dương), được hưởng các quyền tương tự như công dân EU.
Nhiều quốc gia đã tận dụng điều này để có được sự phục vụ của những VĐV người Nam Phi, nơi phát triển mạnh cả 2 môn cricket và bóng bầu dục. Đây cũng là 2 môn thể thao mà người Anh mong muốn sẽ tạo ra tầm ảnh hưởng như giải ngoại hạng ở môn bóng đá, nhưng nguồn cung tài năng thì lại không phong phú bằng khi các VĐV bị rào cản về “thị thực lao động”.
Một khó khăn khác cho thể thao Anh đó là cơ hội tổ chức những sự kiện lớn vốn là thế mạnh của họ. Nhờ vị trí cũng như trình độ tổ chức, Anh luôn là nơi đắc địa để tổ chức các sự kiện lớn nhất của thế giới thể thao. Chỉ riêng trong năm 2020, Anh sẽ có các trận bán kết, chung kết EURO 2020, các World Cup của Netball, Snooker, vòng đua Grand Prix London, Wimbledon và giải Golf Open Championship.
Theo Giáo sư Simon Chadwick, khi rời EU, rất nhiều lợi thế của Anh sẽ không còn đối với các sự kiện có tính giao lưu lớn như vậy, buộc chính phủ phải có các chính sách ưu đãi nếu không muốn mất quyền đăng cai. Tất nhiên là Anh có thông qua một thỏa thuận thương mại tiềm năng với Mỹ để hướng dòng tiền đầu tư từ bên kia Đại Tây Dương về nước mình để thay thế cho thị trường EU trước đây.
Đảo lộn khâu đào tạo Theo các luật sư, thời hậu Brexit các CLB ở Giải ngoại hạng Anh khó có thể mua cầu thủ dưới 18 tuổi như các nền bóng đá ở EU khác. Trước đây, các CLB Anh vẫn né được điều 19 trong các quy định của FIFA về bảo hộ các cầu thủ vị thành niên, cấm chuyển nhượng quốc tế các cầu thủ từ 16 - 18 tuổi, trừ trường hợp với các nước trong EU. Nhiều đội bóng Anh, như Chelsea, Man.City… nổi tiếng hay mua “lúa non”, đỡ công đào tạo lại có lợi nhuận khi bán đi với giá cao ngất. Giờ đây, việc chuyển nhượng này không còn. Liên đoàn Bóng đá Anh có thể phải thay đổi quy định về số lượng cầu thủ homegrown (đào tạo tại chỗ, bao gồm cầu thủ ngoài nước Anh) để giảm áp lực cho các đội bóng. Các CLB phải bỏ thêm tiền cho đào tạo trẻ, phải mua nhiều cầu thủ người Anh với giá cao hơn. |