Bao giờ thoát mác “ao làng”?
Olympic luôn là ước mơ và thử thách của mỗi vận động viên (VĐV) thể thao chuyên nghiệp, đặc biệt đối với các quốc gia Đông Nam Á, được xem là yếu thế hơn so với khu vực khác trên thế giới. Không chỉ tập trung vào SEA Games, những quốc gia như Thái Lan, Indonesia, Singapore, Philippines, Malaysia hay Việt Nam đã và đang nhắm đến đấu trường lớn hơn là Olympic. Thực tế vì đây là đại hội lớn mang đẳng cấp thế giới, việc giành thành tích được xem là danh giá hơn nhiều so với SEA Games, nơi mà từ lâu bị gắn mác "ao làng".
Nếu SEA Games chỉ là cuộc chơi của 11 nước trong khu vực thì Olympic lại là câu chuyện khác, nơi quy tụ những tuyển thủ hàng đầu trên khắp thế giới. Một đấu trường gian nan và khắc nghiệt kể cả trong việc tìm suất tham dự hay có cơ hội trực tiếp tham gia thi đấu. Phải có chiến lược thích hợp và thực hiện chiến lược ấy một cách bài bản, khoa học mới mong vượt qua được những "gã khổng lồ" châu Âu, châu Mỹ và đứng trên bục nhận huy chương.
"Vậy ở sân chơi Olympic, thể thao của Đông Nam Á đã thể hiện ra sao?". Tại 2 kỳ Olympic gần nhất, thể thao Đông Nam Á đều giành được huy chương vàng. Ở Olympic Rio 2016, các thành tích lần lượt là: Thái Lan (2 HCV, cử tạ), Việt Nam (1 HCV, bắn súng), Singapore (1 HCV, bơi), Indonesia (1 HCV, cầu lông). Tiếp đến Olympic Tokyo 2020, Thái Lan (1 HCV, taekwondo), Indonesia (1 HCV, cầu lông), Philippines (1 HCV, cử tạ), là những điểm sáng trong thành tích của thể thao Đông Nam Á.
Người ta thường ví von SEA Games là "ao làng", bởi thường đưa vào chương trình thi đấu những môn “độc” lẫn “lạ” để dễ có huy chương và lấy thành tích. Các nước Đông Nam Á như Thái Lan, Indonesia, Malaysia, Singapore và cả Philippines thời gian qua dẫu luôn đua tranh để nằm trong những thứ hạng đầu trên bảng tổng sắp huy chương đại hội khu vực, song họ vẫn không quên đầu tư các môn thế mạnh cho những đấu trường lớn Olympic, nhằm tranh đoạt huy chương với các cường quốc thể thao khác. Có thể kể đến: Thái Lan đầu tư cho taekwondo, quyền Anh; Indonesia có cầu lông, cử tạ; Philippines có điền kinh, cử tạ...
Trông chờ kỳ Olympic Paris tỏa sáng
Thể thao Đông Nam Á chuẩn bị bước vào kỳ Thế vận hội tại Pháp, Olympic Paris 2024 sẽ diễn ra từ ngày 26-7 đến 11-8. Đại hội tổ chức 32 môn thể thao (48 phân môn), có sự góp mặt của gần 11.000 VĐV. Nhìn tổng thể, thể thao của khu vực đã và đang có sự phát triển nhưng tất cả phải theo định hình chung của thể thao thế giới thì mới mong thoát khỏi danh là "vùng trũng".
Theo thống kê về số lượng VĐV Đông Nam Á tham dự Olympic Paris từ ban tổ chức, Thái Lan là đoàn dẫn đầu với 51 VĐV ở 17 nội dung thi đấu. Tiếp theo là Indonesia (29), Malaysia (26), Singapore (23), Philippines (22) và Việt Nam (16). Với số lượng VĐV hùng hậu như thế, không ngạc nhiên khi Thái Lan đặt mục tiêu giành 6 HCV, 3 HCB. Sự tự tin này cũng bởi thể thao Thái Lan đã đặt trọng điểm ở một số môn nhất định với kế hoạch dài hơi huấn luyện tài năng từ tuyến trẻ mà không còn đầu tư dàn trải.
Taekwondo hay quyền Anh là những bộ môn mà thể thao xứ chùa Vàng đặt kỳ vọng cạnh tranh sòng phẳng cùng các cường quốc châu Á hay châu Âu, châu Mỹ... Ngôi sao sáng giá nhất của thể thao Thái Lan thời điểm này chính là võ sỹ taekwondo Panipak Wongpattanakit (hạng 49kg nữ, HCV Olympic 2020). Trong khi đó, Indonesia cũng đặt mục tiêu 2-3 HCV ở các môn trọng điểm như cầu lông, cử tạ, và leo núi thể thao. Các đoàn như Malaysia, Singapore và Philippines đều đặt mục tiêu giành 1 HCV. Trong khi các đoàn như Timor Leste, Campuchia, Lào, Brunei và Myanmar là đặt mục tiêu cọ xát, học hỏi.
Vậy mục tiêu của Đoàn thể thao Việt Nam ở Olympic Paris là gì? - Tại lễ xuất quân ngày 17-7 vừa qua, Cục trưởng Cục TDTT đồng thời là Trưởng đoàn thể thao Việt Nam dự Olympic Paris 2024 phát biểu: "Tham dự Olympic Paris là nhiệm vụ quan trọng nhất của thể thao Việt Nam trong năm 2024 và cũng là những thử thách khó khăn nhất, với mục tiêu giành nhiều nhất số lượng VĐV vượt qua vòng loại và phấn đấu có huy chương tại Thế vận hội". Dĩ nhiên, chúng ta có quyền hy vọng điều bất ngờ sẽ xảy ra. Bắn súng, bắn cung và cử tạ chính là những bộ môn được giới mộ điệu đặt nhiều hy vọng.
Tranh suất để có mặt tại đại hội thể thao lớn nhất hành tinh đã khó, việc đoạt được huy chương còn trầy trật hơn nhiều. Dẫu biết Olympic vẫn là khoảng cách khá xa với thể thao Đông Nam Á, nhưng ít ra những nước ở khu vực này cũng dám đầu tư và có những sự khẳng định mạnh mẽ ở một số nội dung mũi nhọn của mình tại đấu trường thể thao danh giá nhất hành tinh.