* PHÓNG VIÊN: Thể thao Việt Nam (TTVN) đã hoàn thành mục tiêu giành 12-15 suất tham dự Olympic Paris 2024. Ông đánh giá thế nào về thành tích này?
* Cục trưởng Cục Thể dục Thể thao Đặng Hà Việt: Trải qua các vòng đấu loại Olympic, TTVN đã có kết quả là tổng 16 suất, gồm 14 suất chính thức và 2 suất đặc cách. Như vậy, chúng ta đã vượt 1 chỉ tiêu so với mục tiêu ban đầu 12-15 suất do lãnh đạo Bộ VH-TT-DL giao. Kết quả này phản ánh đúng thực tế phát triển của thể thao thành tích cao Việt Nam trong giai đoạn hiện nay.
Thời gian qua, Cục TDTT đã chỉ đạo xây dựng kế hoạch đầu tư trọng điểm cho 14 môn thể thao Olympic trong năm 2024 để vận động viên đạt chuẩn. Ngoài ra, cuối năm 2023, Bộ VH-TT-DL đã tổ chức hội nghị chuyên môn về lĩnh vực thể thao để nâng tầm Asiad và khát vọng Olympic, từ đó đưa ra giải pháp cụ thể, dài hạn để TTVN tập trung vào các đấu trường lớn này. Hiện tại, ngành thể thao đang áp dụng từng bước và đạt hiệu quả ban đầu.
* Ở 2 bộ môn quan trọng của Olympic là bơi và điền kinh, TTVN giành được 1 suất chính thức (Nguyễn Huy Hoàng - bơi), và thêm 1 suất đặc cách ở mỗi bộ môn. Ông nhận xét ra sao về sự phát triển thành tích cao ở 2 bộ môn này tại nước ta so với thế giới?
* Bơi và điền kinh là 2 bộ môn cơ bản của Olympic, cũng được xem là thước đo đánh giá sự phát triển của nền thể thao một quốc gia. Việc huấn luyện và đào tạo vận động viên ở những bộ môn này trên thế giới luôn được chú trọng, ứng dụng rất nhiều nghiên cứu về khoa học huấn luyện, công nghệ huấn luyện. Các nước có nền kinh tế mạnh đã đầu tư rất nghiêm túc cùng chi phí lớn cho các vận động viên. Do đó, thông số thành tích ở cấp độ châu Á, thế giới hay Olympic liên tục bị phá vỡ.
Chúng ta có những thế hệ vận động viên đẳng cấp, nhưng mới ở tầm khu vực Đông Nam Á, như: Nguyễn Thị Ánh Viên, Hoàng Quý Phước, tiếp đó là Nguyễn Huy Hoàng, Phạm Thanh Bảo, Trần Hưng Nguyên, Nguyễn Hữu Kim Sơn, Võ Thị Mỹ Tiên và trẻ tuổi nhất là Nguyễn Thúy Hiền… Để các vận động viên đạt đến đẳng cấp châu Á và thế giới vẫn cần rất nhiều thời gian, quan trọng hơn là sự đầu tư mạnh mẽ về khoa học công nghệ, huấn luyện.
* TTVN đã hoàn thành chỉ tiêu suất tham dự, nhưng ông có điều gì còn tiếc nuối?
* Chúng ta có những tiếc nuối ở các môn taekwondo, thể dục dụng cụ, bóng bàn hay ở nội dung 4x400m điền kinh nữ. Sự nỗ lực hay tiến bộ của từng thành viên thời gian qua là đáng khen ngợi, nhưng rõ ràng họ đã không đạt được chỉ tiêu đề ra và không có tấm vé nào đến kỳ Olympic tại Pháp lần này.
Ngoài ra, ở những bộ môn, nội dung mong muốn có sự đột phá như: vật, bắn cung đồng đội nữ, rowing thuyền đôi, hay một số vận động viên ở các môn võ (quyền Anh hay judo) vẫn chưa đạt đến kỳ vọng.
* Dù dẫn đầu ở 2 kỳ SEA Games liên tiếp, nhưng Việt Nam lại bị đánh giá là yếu thế hơn so với một số quốc gia ở khu vực Đông Nam Á trong việc “săn vé” đến Olympic. Vì sao, thưa ông?
* TTVN đã có sự phát triển mạnh về phong trào và thể thao thành tích cao trong giai đoạn gần đây, thể hiện qua việc đứng đầu 2 kỳ SEA Games liên tiếp, cũng là lần đầu tiên đứng nhất toàn đoàn khi thi đấu trên nước bạn (SEA Games 32 tại Campuchia). Đây là những thành tích đáng khen ngợi và xứng đáng được ghi vào lịch sử của TTVN.
Tuy nhiên phải nhìn nhận rằng, thành tích thể thao trên đấu trường quốc tế cạnh tranh rất khốc liệt và nó cũng tương quan chặt chẽ với nền kinh tế, khoa học kỹ thuật của một quốc gia. Để đạt huy chương vàng ở đấu trường Asiad và Olympic cần huy động rất nhiều nguồn lực.
* TTVN đã có những chuẩn bị như thế nào và ông mong chờ điều gì tại Olympic Paris 2024?
* Tham dự Olympic Paris là nhiệm vụ quan trọng nhất của TTVN trong năm 2024 và cũng là những thử thách khó khăn nhất. Thời gian qua, Cục TDTT đã và đang tăng cường chỉ đạo các đơn vị liên quan chuẩn bị chu đáo lực lượng vận động viên và những điều kiện đảm bảo để Đoàn TTVN tham gia đạt kết quả tốt nhất tại Olympic Paris 2024. Ngoài công tác chuyên môn, công tác chăm sóc, phục hồi, chữa trị chấn thương và nhiều hoạt động bên lề đã được các đơn vị quan tâm, chỉ đạo nhằm tạo không khí phấn khởi trong tập luyện, thi đấu và giảm áp lực thành tích cho các vận động viên.
Dù trình độ giữa các vận động viên của Việt Nam so với các tuyển thủ hàng đầu thế giới vẫn còn khoảng cách, song đoàn TTVN vẫn quyết tâm hướng đến mục tiêu giành huy chương tại kỳ Thế vận hội lần này. Thể hiện cho sự quyết tâm đó là khâu chuẩn bị kỹ lưỡng trong lực lượng đoàn, đơn cử như mỗi tuyển thủ đều có huấn luyện viên sát cánh, đảm bảo tốt nhất công tác chuyên môn.
* Thành quả từ SEA Games, Asiad cho đến Olympic sẽ định hướng ra sao cho TTVN ở các đấu trường lớn thế giới?
* Xét về toàn diện, SEA Games vẫn là đấu trường xứng tầm và là môi trường phù hợp để đánh giá sự phát triển thành tích của các vận động viên, nhất là những tuyển thủ trẻ. Từ kết quả ở khu vực Đông Nam Á, chúng ta sẽ có những kế hoạch đầu tư và phát triển ở các bộ môn, nội dung thi đấu Olympic, Asiad.
Định hướng của TTVN trong giai đoạn sắp tới chính là nâng tầm chất lượng hướng đến Asiad và Olympic. Chúng ta đã chỉ ra các nguyên nhân, phân tích đối với các vấn đề còn hạn chế, từ đó tìm ra những giải pháp phát triển phù hợp.
Xin chúc Đoàn TTVN thành công tại đấu trường Olympic Paris 2024!
Đoàn TTVN tham dự Olympic Paris 2024 có tổng cộng 39 thành viên, gồm 32 vận động viên, huấn luyện viên, chuyên gia ở các môn: xe đạp, bắn súng, bắn cung, judo, cử tạ, đua thuyền rowing, canoeing, quyền Anh, điền kinh, bơi, cầu lông. 16 vận động viên cũng là những gương mặt tiêu biểu của TTVN, với khát vọng mang hình ảnh thể thao nước nhà vươn xa thế giới.