Nơi đầu tiên được nhắc đến phải nói là Học viện bóng đá NutiFood JMG với mô hình tuyển sinh, đào tạo khá giống với Học viện HA.GL vì có cùng giáo án của JMG. Thầy trò học viện này tập luyện chính ở sân vận động Phú Thọ và sau hơn 2 năm học bóng đá, các em của khóa 1 dần được cho thi đấu giao hữu quốc tế.
Sự khác biệt ở Học viện NutiFood so với nhiều nơi khác là đào tạo để cung cấp cầu thủ sau này chứ chưa hướng đến việc lập đội để thi đấu như Viettel, HA.GL. Sau khi Trung tâm PVF rời TPHCM để di chuyển ra Hưng Yên, thành phố đã có thêm mô hình đào tạo thông qua sự liên kết giữa Liên đoàn Bóng đá TPHCM và CLB Lyon (Pháp). Mới đây có thêm Học viện Bóng đá Juventus Việt Nam, có mối liên hệ với CLB TPHCM nhưng địa điểm đào tạo nằm ở Bà Rịa - Vũng Tàu.
Chưa dừng lại ở đó, TPHCM còn nở rộ các mô hình bóng đá cộng đồng, là địa chỉ để các phụ huynh hướng con em đi học bóng đá. Vừa là vận động thể thao sau 1 tuần học văn hóa và cũng là dịp để “cai nghiện game”.
Có thể biết đến những địa chỉ như Học viện CV9 của cựu tuyển thủ Lê Công Vinh ở quận 2, quận 7 và mới đây đã tiếp cận vào bóng đá học đường. Lớp “Ươm mầm tương lai” do các cựu cầu thủ đội Cảng Sài Gòn tổ chức ở sân Tao Đàn; Trung tâm bóng đá Ngọc Hùng do các cựu cầu thủ Lưu Ngọc Hùng, Ngũ Chí Thắng, Amaobi đứng lớp.
Xung quanh TPHCM còn có Trung tâm Đào tạo bóng đá trẻ Becamex Bình Dương, Trung tâm Kim Chi Sport, Văn Tâm Đồng Nam (trung tâm đào tạo vệ tinh của Viettel ở Đồng Nai)... Để liệt kê thì danh sách sẽ còn rất dài và minh chứng cho sự phát triển có chiều rộng, sâu của bóng đá phong trào hiện nay. Nhất là mọi thứ đang được vận hành quy củ, chuyên nghiệp để khởi đầu cho sự phát triển của bóng đá trong tương lai. Nhất là bóng đá chuyên nghiệp của TPHCM trong tương lai gần hy vọng sẽ có những sản phẩm ưng ý như lứa của Công Phượng, Xuân Trường, Văn Thanh... ở HA.GL.