Sự im lặng đáng sợ

Chưa có bất cứ cuộc họp nào được Thường vụ hay Ban Chấp hành Liên đoàn Bóng chuyền Việt Nam (VFV) nhiệm kỳ 2015-2019 được tổ chức để giải quyết sự cố lộ văn bản “trả” Tổng Thư ký Lê Trí Trường về đơn vị cũ (Trường Đại học TDTT Bắc Ninh) do Chủ tịch Lê Văn Thành ký. Tức là sau 1 tuần, những nhà quản lý VFV dường như vẫn đang cho rằng cách hành xử của họ là… chuyên nghiệp!
VFV vẫn chưa minh bạch trong vụ Tổng Thư ký Lê Trí Trường (hàng dưới, thứ nhất từ phải qua)
VFV vẫn chưa minh bạch trong vụ Tổng Thư ký Lê Trí Trường (hàng dưới, thứ nhất từ phải qua)

Đấy là điều gây hoang mang cho chính những người trong cuộc, bởi lẽ không ít ủy viên thừa nhận họ rất bất ngờ khi nhận được văn bản kiểu này thay vì lời mời dự cuộc họp bàn chuyện quan trọng. Tuy nhiên, vì sợ bị cô lập giống như ông Trường hay nhiều đàn anh trước đây, họ đã từ chối phân tích sâu về sự cố này, ngoài những cái lắc đầu và chép miệng ngao ngán.

Hóa ra, bóng chuyền xảy ra chuyện không đàng hoàng là có thật. Hóa ra, chỉ một vài người trong Ban Chấp hành VFV cố ý cô lập và loại ông Lê Trí Trường khỏi cuộc chơi, chứ không phải sự đồng thuận của cả tập thể hơn 20 ủy viên. Và hóa ra, VFV vẫn đang tồn tại cách làm việc mập mờ và thiếu minh bạch kéo dài từ suốt nhiệm kỳ trước đến nay.

Trao đổi với PV Báo SGGP, ông Lê Trí Trường cho biết bản thân khá sốc trước chuyện vừa rồi, nhưng sẽ chờ một cuộc họp sớm được tổ chức để giải quyết dứt điểm tình hình, sẽ không tranh luận dưới mọi hình thức nhằm tránh gây tổn hại cho hình ảnh của cá nhân cũng như VFV. 

Rõ ràng, sự cố vừa rồi cũng phần nào gây ảnh hưởng đến sự chuẩn bị của 2 đội tuyển bóng chuyền nam và nữ cho ASIAD 18 diễn ra vào trung tuần tháng 8 tại Indonesia, mà ông Lê Trí Trường vừa được cử vào vị trí trưởng đoàn đội tuyển nam. Giới làm nghề không phục, đương nhiên rồi, vì VFV lâu nay vốn mang tiếng đang để một số nhân vật kiểm soát và chi phối về công tác chuyên môn lẫn tài chính. Thậm chí, tồn tại cả chuyện nực cười rằng một cán bộ của Văn phòng VFV lại được “bật đèn xanh” lấn lướt cả Tổng Thư ký Lê Trí Trường lẫn Phó Chủ tịch chuyên môn Nguyễn Thành Lâm về quyền điều hành các hoạt động của bóng chuyền, công tác đối nội và đối ngoại, tham dự các cuộc họp quan trọng cùng Liên đoàn Bóng chuyền Đông Nam Á, châu Á… 

Cái cảm giác bị cô lập, nói như nguyên Phó Chủ tịch chuyên môn Nguyễn Bá Nghị, sẽ không thể giúp những người có tâm huyết dốc hết sức lực và trí lực vì sự hưng thịnh của nền bóng chuyền nước nhà. Chưa kể, Ban Chấp hành VFV ở 2 nhiệm kỳ gần đây nhất luôn xuất hiện kiểu ủy viên (đến từ các sở VH-TT-DL địa phương) chỉ biết gật đầu, giơ tay biểu quyết hay bỏ phiếu theo sự chỉ đạo từ trước.

Chính vì vậy, nếu như văn bản mà Chủ tịch VFV Lê Văn Thành ký và ban hành ngày 27-7 vừa rồi sẽ có rất nhiều người không lấy làm ngạc nhiên khi biết thông tin ông Đào Xuân Chung (Trưởng bộ môn Bóng chuyền thuộc Tổng cục TDTT) nhận được đa số phiếu bầu bổ sung vào ban chấp hành và được giao vị trí Phó Tổng thư ký VFV sau “cuộc họp qua e-mail” thay vì một cuộc họp minh bạch và mang tính phản biện cao.

Tin cùng chuyên mục