Quyết định chính thức sẽ được Hội đồng thể thao khu vực thông qua và công bố trong cuộc họp trực tuyến quan trọng tổ chức vào tháng 11 tới đây, chủ trì vẫn là nước chủ nhà Việt Nam.
Thời gian qua, nhiều quốc gia đã đề xuất chủ nhà Việt Nam tổ chức thêm không chỉ 4 môn kể trên ở Đại hội thể thao khu vực diễn ra vào năm tới. Thế nhưng, giới chức thể thao Việt Nam vẫn bảo vệ quan điểm sẽ tổ chức một kỳ SEA Games chất lượng, tập trung vào hệ thống môn theo chuẩn của Olympic.
3 môn phối hợp (hay còn gọi là triathlon, thi đấu 3 môn bơi lội - đạp xe - chạy) từng được tổ chức tại kỳ SEA Games gần nhất, hơn nữa lại là môn thể thao hiện đại, ngày càng phát triển và có nhiều giải đấu tầm châu lục lẫn quốc tế tổ chức thường niên. Một số quốc gia ở Đông Nam Á cũng đầu tư cho môn này như Thái Lan, Philippines, Malaysia, Indonesia, Việt Nam. Cho nên khi triathlon đưa vào chương trình thi đấu tại SEA Games 31 đã được giới chuyên môn đánh giá là phù hợp.
Tuần Châu (Quảng Ninh) dự kiến được chọn là địa điểm để tổ chức tranh tài. Thậm chí, để chuẩn bị kỹ lưỡng và hướng đến thành tích cao ở SEA Games 31, Liên đoàn Triathlon Việt Nam sẽ được thành lập trong thời gian tới, nhằm tạo điều kiện tốt hơn cho đội tuyển quốc gia có thể tập luyện và thi đấu. Tại SEA Games 30, đội tuyển triathlon Việt Nam từng tham dự với 8 tuyển thủ, tranh tài ở đủ 6 nội dung thi và thành tích cao nhất là tấm HCĐ mà nữ VĐV Nguyễn Thị Phương Trinh giành được (nội dung duathlon).
Trong khi đó, thể thao điện tử, jiu jitsu và bowling cũng là những môn hình thành sau này và du nhập từ quốc tế nhưng ngày càng chứng tỏ được sức hút, góp phần đáng kể trong chiến lược phát triển kinh tế thể thao cho khu vực nên cũng được chọn tổ chức. Nước chủ nhà Việt Nam sẽ sớm ấn định địa điểm cũng như lịch thi đấu cho 3 môn thể thao này. So với kỳ SEA Games 30 diễn ra ở Philippines, số lượng môn thi đấu tại Việt Nam ít hơn 16 môn, có điều tất cả các nội dung ở những môn quan trọng như điền kinh, bơi lội, bắn súng… đã được giữ nguyên vẹn, không bị cắt giảm giống như trước đây. Điều này cũng đã nhận được phản hồi tích cực từ Hội đồng thể thao châu Á (OCA) cũng như Ủy ban Olympic quốc tế (IOC).
36 môn thể thao đã được chủ nhà Việt Nam chọn trước đó, gồm: điền kinh, thể thao dưới nước, thể dục, rowing, canoeing/kayak, bóng đá, bắn súng, bắn cung, cử tạ, judo, taekwondo, karate, wushu, vật, boxing, kick-boxing, đấu kiếm, cầu lông, cầu mây, quần vợt, bóng chuyền, bóng rổ, bóng ném, xe đạp, bóng bàn, billiards & snooker, golf, bi sắt, kurash, vovinam, cờ, pencak silat, muay, thể hình, lặn, khiêu vũ thể thao. |