Ba năm “đóng băng” các hoạt động
Với 19 vận động viên (VĐV) tham dự 8 nội dung thi đấu ở SEA Games 31, thầy trò HLV Đặng Xuân Vui gia nhập Trung tâm Huấn luyện và Thi đấu Thể dục thể thao Hà Nội vào đầu tháng 3-2022. Ảnh hưởng của dịch Covid-19 khiến bi sắt trở thành đội tuyển tập luyện muộn nhất so với các môn khác cùng hướng đến kỳ Đại hội thể thao Đông Nam Á tổ chức trên sân nhà. Thậm chí, đây cũng đợt hội quân đầu tiên sau 3 năm “đóng băng” hoạt động của đội tuyển bi sắt Việt Nam.
Vì thế, hơn 2 tháng chuẩn bị của đội tuyển bi sắt Việt Nam cũng đối diện với nhiều vấn đề. Khó khăn lớn nhất vẫn là thiếu sân chơi để cọ xát. Trước SEA Games 31, các tuyển thủ chỉ được tranh tài ở Giải VĐQG và Cúp các CLB toàn quốc. Toàn đội không có cơ hội ra nước ngoài tập huấn hay thi đấu vì hạn chế lưu thông trong bối cảnh dịch Covid-19. Cũng vì thời gian dài không “xuất ngoại” khiến ban huấn luyện gặp không ít trở ngại trong việc thu nhập thông tin về các đối thủ trong Đông Nam Á.
Để khắc phục vấn đề tồn đọng, đội tuyển bi sắt Việt Nam thường xuyên tổ chức những giải đấu nội bộ để tăng tính cọ xát, tích lũy kinh nghiệm và duy trì cảm giác thi đấu cho các VĐV. Gần đến SEA Games 31, khung giờ tập luyện sẽ được ban huấn luyện đẩy lên sát giờ thi đấu để các tuyển thủ sớm thích nghi, bên cạnh đưa ra những điều chỉnh về mặt kỹ thuật và chiến thuật phù hợp với thực tiễn. Ngoài ra, biện pháp ổn định về mặt tâm lý liên tục được áp dụng để các VĐV thật sự thoải mái trước khi ra “chiến trường”.
Thận trọng với chỉ tiêu vàng
VĐV Nguyễn Thị Hiền mang HCV SEA Games đầu tiên về cho bi sắt Việt Nam vào năm 2009. Đến 2 kỳ SEA Games liên tiếp vào năm 2015 và 2017, VĐV Nguyễn Thị Thi giành thêm 2 HCV. Kỳ SEA Games gần nhất vào năm 2019, bi sắt Việt Nam “ẫm” 2 HC đồng nội dung bộ 3 nam và đôi nữ. Đó chính là những nỗ lực vượt khó của các tuyển thủ bi sắt - môn thể thao không thật sự nổi bật ở Việt Nam.
Theo HLV Đặng Xuân Vui, lợi thế sân nhà giúp bi sắt Việt Nam có nhiều thời gian để làm quen sân bãi thi đấu vừa mới được sửa chữa và thuận lợi về thời tiết so với các đối thủ. Bên cạnh những khó khăn, thử thách đã trui rèn ý chí, nghị lực vượt khó của các VĐV với quyết tâm tạo nên chiến tích ở SEA Games 31 ngay trên quê hương. Ở mặt khách quan, SEA Games 31 diễn ra cùng thời điểm với Giải vô địch thế giới ở Đan Mạch, cường quốc Thái Lan phải chia quân dẫn đến suy yếu đội hình.
Từ những phân tích nội bộ và nhìn ra các đối thủ cạnh tranh, đội tuyển bi sắt Việt Nam hướng đến giành tối thiểu 1 HCV ở SEA Games 31. Tất nhiên, kỳ vọng vàng sẽ đặt vào tay ném đã bước sang tuổi 30 Nguyễn Thị Thi ở nội dung dung đơn nữ. “Chuẩn bị cho SEA Games 31, ban huấn luyện có những bài tập chuyên môn cho các tuyển thủ. Với Nguyễn Thị Thi, chúng tôi sẽ nhắm cơ hội tranh chấp ở nội dung đôi nữ phối hợp. Đây vẫn là tuyển thủ có chuyên môn tốt của đội”, ông Đoàn Tuấn Anh - phụ trách bộ môn bi sắt (Tổng cục Thể dục Thể thao) chia sẻ.
Bên cạnh Nguyễn Thị Thi, bi sắt Việt Nam hy vọng vào đôi nữ Thạch Thị Ánh Lan - Nguyễn Thị Thúy Kiều từng giành HC đồng ở SEA Games 30 sẽ cải thiện được thành tích, và những VĐV còn lại sẽ xuất hiện kỳ tích.
Môn bi sắt ở SEA Games 31 diễn ra từ ngày 13 đến 19-5 ở Trung tâm Huấn luyện và Thi đấu Thể dục thể thao Hà Nội với 8 bộ huy chương được trao. |