Nội dung xe đạp đường trường nam Criterium (còn gọi là đua vòng tròn) chạy 30 vòng, mỗi vòng 1,48 km. Nó cũng không khác gì với một chặng đua trong nước như vòng quanh Hồ Hoàn Kiếm hay Hồ Xuân Hương, người nào cán đích đầu tiên sẽ giành chiến thắng.
Tham dự nội dung này có 24 tay đua của 8 quốc gia, trong đó Việt Nam ra quân với 3 tay đua: Quàng Văn Cường, Huỳnh Thanh Tùng, Trần Tuấn Kiệt. Nhìn cách chạy trên đường đua, có thể thấy ý đồ của Ban huấn luyện đội tuyển Việt Nam rất rõ ràng. Chúng ta bố trí tay đua Trần Tuấn Kiệt có nước rút tốt nhất, chấp nhận nằm dưỡng ở phía sau. lỡ vô thế về chùm thì thể hiện tài năng của mình.
Trong khi đó, hai tay đua Huỳnh Thanh Tùng và Quàng Văn Cường được bố trí nhô lên ở phía trên, ai tấn công “quăng ra” thì họ sẽ cố gắng nhảy vào. Do trình độ các tay đua Việt Nam không được đánh giá cao so với Thái Lan, Malaysia…, nên chúng ta sẽ chạy nương theo thế trận, qua đó tìm ra lợi thế cho mình, chứ không đua theo kiểu điều tiết của một kẻ mạnh.
Ý đồ của BHL đội tuyển Việt Nam đã được các học trò tuân thủ một cách trọn vẹn khi Quàng Văn Cường đã đeo dính một đợt tấn công của hai tay đua Sarawut (Thái Lan), Yeo Boon Kiak (Singapore). Do cùng mục đích tìm kiếm huy chương, cả 3 tay đua đồng lòng hợp sức kéo mạnh, bất chấp các đội Philippines, Malaysia ở phía sau rượt đuổi. Hơn 20 vòng đua còn lại, cả 3 tay đua đều giữ được khoảng cách khoảng 30 giây so với tốp sau nên cuộc tranh chấp huy chương chỉ diễn ra giữa 3 tay đua này.
Trong màn so kè tốc độ ở 100 mét cuối cùng, Quàng Văn Cường khôn khéo nằm tài sau Yeo Boon Kiak và đã đứng lên tung guồng chân mạnh mẽ rút qua đối thủ cán đích đầu tiên giành chiếc huy chương vàng. Dù nằm tài sau Quàng Văn Cường để tận dụng núp gió tạo cú rút cuối cùng, nhưng tay đua Thái Lan Sarawut chỉ vượt qua tay đua Singapore giành huy chương bạc, chứ không thể vượt mặt tay đua Việt Nam.
Như vậy, sau 13 năm, xe đạp nam Việt Nam mới có chiếc huy chương vàng SEA Games nội dung này sau khi Bùi Minh Thuỵ đạt được năm 2009. Một chiếc huy chương vàng ngoài mong đợi của ban huấn luyện đội tuyển xe đạp Việt Nam. Vì theo nhận định của giới chuyên môn, Thái Lan, Malaysia..có những tay đua mạnh thi đấu giải quốc tế nhiều nên là ứng viên nặng ký nhất.
Sau khi giành HCV, Quàng Văn Cường cho biết: “Đây thật sự là thành tích khá bất ngờ, ngoài sự mong đợi của tôi cũng như ban huấn luyện. Ngày hôm nay, tôi rất vui mừng khi thi đấu trên sân nhà được sự cổ vũ của khán giả tại Hoà Bình. Đặc biệt, lần đầu tiên trong đời mà ba, mẹ tôi ra đường cổ vũ tôi thi đấu. Tôi xin cảm ơn tới BHL, các đồng đội cũng như người hâm mộ đã động viên để tôi có được thành tích như ngày hôm nay”.
Trong khi đó, nội dung đường trường Criterium nữ chạy 20 vòng (29,6 km), đương kim HCV SEA Games Nguyễn Thị Thật đã không thể bảo vệ được thành tích của mình khi để “đối thủ truyền kiếp” Jutatip Maneephan vượt qua trong cú nước rút cuối cùng.
Tham dự nội dung này có 6 đội, mỗi đội 3 tay đua gồm: Việt Nam, Malaysia, Indonesia, Thái Lan, Philippines, Singapore và đội Lào chỉ có duy nhất 1 tay đua.
Đội hình đội tuyển nữ Việt Nam gồm: Nguyễn Thị Thi nhô cao phía trên điều tiết thế trận, trong khi Nguyễn Thị Thu Mai hỗ trợ cho Nguyễn Thị Thật ở phía sau. Trong mấy vòng cuối, khi tốp đầu có 5 tay đua ở phía trên có mặt Nguyễn Thị Thi tạo khoảng cách hơn 10 mấy giây so với tốp 2, Nguyễn Thị Thu Mai một mình kéo mạnh ở phía sau đưa Nguyễn Thị Thật vô lại tốp đầu nhằm giữ thế nước rút cuối.
Do bị mất sức ở tình huống này, đội Việt Nam không thể ráp đội hình tạo nước rút cho Nguyễn Thị Thật, Trong khi đó, Thái Lan đã lên đầu dàn quân làm tốc độ hỗ trợ cho Jutatip Maneephan. Nhờ thế, Jutatip Maneephan có sự chủ động hơn trong cú ra xe nước rút cuối cùng. Do bị động nằm phía sau đối thủ, Nguyễn Thị Thật đã bị chậm trong cú tăng tốc cuối. Mặc dù cú lách xe sang trái lao lên phía trước, nhưng Nguyễn Thị Thật không thể vượt Jutatip Maneephan đành nhận huy chương bạc.
Ngày mai 20-5, nội dung xe đạp tiếp tục tranh tài 2 bộ huy chương: Chạy cá nhân tính giờ nam 40 km và nữ 30 km.