Philippines và chính sách nhập tịch cầu thủ

Trong danh sách 26 cầu thủ Philippines được triệu tập cho trận đấu với đội tuyển Việt Nam tại vòng loại World Cup 2026, chỉ có 6 cầu thủ đang thi đấu tại Philippines.
Philippines và chính sách nhập tịch cầu thủ

Số lượng cầu thủ Philippines xuất ngoại nhiều đến từ sự vượt trội về thể chất cũng như yếu tố nơi sinh sống, vì rất nhiều người được “nhập tịch” dù không sinh ra tại Philippines.

Cầu thủ nổi bật nhất là thủ môn Neil Etheridge, thuộc CLB Birmingham City ở giải hạng nhất nước Anh và từng có một mùa giải thi đấu trọn vẹn ở giải ngoại hạng trong màu áo Cardiff City. Neil Etheridge bắt cho đội tuyển Philippines từ năm 2008, thời điểm bóng đá quốc gia này tiến hành chính sách kêu gọi cầu thủ có dòng máu Philippines nhập quốc tịch để nâng cấp đội tuyển quốc gia. Chỉ trong vòng 10 năm thực hiện chính sách, đến AFF Cup 2018, đội tuyển Philippines có đến 19 trên 23 cầu thủ thi đấu bên ngoài đất nước.

Ở đợt tập trung lần này, có trường hợp tiêu biểu là tài năng trẻ Santiago Rublico sinh năm 2005 tại Tây Ban Nha, có cha mẹ là người Philippines. Anh gia nhập Học viện Atletico Madrid từ năm 6 tuổi và hiện tại thuộc biên chế đội U19 với vị trí hậu vệ phải. Rublico lần đầu được triệu tập lên đội tuyển Philippines ở đợt tập trung tháng 3-2023, đá trận giao hữu với Kuwait, sau đó cùng đội U22 Philippines dự SEA Games 32. Dù vậy, ở đợt tập trung này, Philippines cũng vắng mặt nhiều cầu thủ đang thi đấu châu Âu vì chấn thương, như hậu vệ Michael Kempter (Grasshopper, Thụy Sĩ), tiền vệ Raphael Obermair (SC Paderborn, Đức), John Patrick Strauss (Hansa Rostock, Đức), tiền đạo Gerrit Holtmann (Antalyaspor, Thổ Nhĩ Kỳ), Sebastian Rasmussen (Hobro, Đan Mạch).

Trở lại với câu chuyện “nhập tịch” của Philippines. Họ đã thành công với phiên bản dành cho nữ khi đội tuyển dự World Cup 2023 vừa qua của họ có đến 18 người sinh ra tại Mỹ. Ở AFF Cup 2022 của nữ, họ lần đầu đoạt chức vô địch với 16 cầu thủ “nhập tịch”. Mới đây, đội U17 nữ của Philippines cũng vượt qua Việt Nam để giành vé dự U17 châu Á. Dù vậy, chính sách “nhập tịch” của Philippines bị nhìn nhận thiếu thiện cảm.

Tuy nhiên, Chủ tịch Liên đoàn Bóng đá Philippines Nanong Araneta từng giải thích rằng, Philippines không nhập tịch mà dùng hiến pháp của mình để gọi những cầu thủ có dòng máu Philippines về thi đấu. Philippines không phải nhập tịch cầu thủ theo kiểu của Trung Quốc hay Indonesia, Uzbekistan… mà là cơ chế công dân 2 quốc tịch. Hầu hết những cầu thủ sinh sống ở nước ngoài được gọi về khoác áo các tuyến đội tuyển Philippines đều có dòng máu Philippines trong người (hầu hết là mẹ người Philippines). Đây là điều nằm trong hiến pháp của Philippines. Nói cách khác, họ là “Phi kiều” chứ không phải là một người nước ngoài được vận động nhập quốc tịch.

Hồi trước thềm AFF Cup 2016, Liên đoàn Bóng đá Philippines còn cử người sang Bayern Munich để thương lượng với danh thủ David Alaba (tuyển thủ Áo) về khoác áo tuyển Philippines đá AFF Cup do Alaba có mẹ người Philippines, bố người Nigeria, gia đình sinh sống tại Áo.

Tin cùng chuyên mục