Phải có chế độ phù hợp mới giữ được vận động viên ở lại

Là môn thể thao đang hướng lên sự chuyên nghiệp và có cơ chế chuyển nhượng nên bóng chuyền đã chứng kiến những cuộc đi-ở của cầu thủ giữa các đội bóng tại nhiều giai đoạn. Thực tế cho thấy, nếu các đội bóng có chế độ phù hợp, họ sẽ giữ được cầu thủ bằng không việc bị mất những tài năng khó tránh khỏi trong tình cảnh lực bất tòng tâm níu kéo.

Chủ công Trần Anh Tú (20) đã rời đội bóng cũ Bình Dương để ra miền Bắc thi đấu khi nơi mới đảm bảo được chế độ lương, thưởng ổn định cuộc sống hơn. Ảnh: ANH TÚ
Chủ công Trần Anh Tú (20) đã rời đội bóng cũ Bình Dương để ra miền Bắc thi đấu khi nơi mới đảm bảo được chế độ lương, thưởng ổn định cuộc sống hơn. Ảnh: ANH TÚ

Bóng đá nữ Việt Nam đang trong câu chuyện một số đội bóng thực hiện việc chuyển nhượng cầu thủ và được dư luận quan tâm ngay trước khi nghỉ Tết Nguyên Đán. Bóng chuyền Việt Nam lúc này đang có nhiều trường hợp cầu thủ chuyển nhượng đi-ở tới với các đội bóng mới ngay đầu năm mới.

Thị trường cầu thủ bóng chuyền quốc nội Việt Nam đang sôi động việc chuyển nhượng hoặc cho mượn cầu thủ giữa các đơn vị bởi giải bóng chuyền vô địch quốc gia 2024 và giải hạng A toàn quốc sắp khởi tranh. Chính vì thế, từng đội bóng phải có sự chuẩn bị lực lượng ổn định nhất để tập luyện chuyên môn trước khi tranh tài.

Liên đoàn bóng chuyền Việt Nam đã có Quy chế chuyển nhượng VĐV theo Quyết định số 14/QĐ-LĐBCVN ngày 29-6-2010. Quy định ghi cụ thể “Chuyển nhượng VĐV bóng chuyền là thoả thuận giữa 2 đơn vị quản lý hoặc hai câu lạc bộ bóng chuyền và VĐV bóng chuyền khi hợp đồng lao động của VĐV với câu lạc bộ còn hiệu lực. Theo thoả thuận này, câu lạc bộ có hợp đồng lao động với VĐV (bên chuyển nhượng) sẽ chuyển giao quyền quản lý VĐV cho câu lạc bộ mới (bên nhận chuyển nhượng).

Bên nhận chuyển nhượng phải trả một khoản tiền chuyển nhượng VĐV cho bên chuyển nhượng theo thoả thuận; Trong cùng một năm, một VĐV có thể được chuyển nhượng đến nhiều câu lạc bộ để thi đấu nhiều giải, nhiều hạng (Hạng A, trẻ, vô địch quốc gia) hoặc nhiều giai đoạn của giải (vòng bảng, bán kết, chung kết của giải Hạng A, trẻ hoặc các vòng của giải vô địch quốc gia), song chỉ được thi đấu cho một câu lạc bộ trong một giai đoạn của giải; VĐV phải ký hợp đồng đào tạo dành cho VĐV dưới 18 tuổi (có sự đồng ý của người đại diện hợp pháp), hợp đồng lao động dành cho VĐV 18 tuổi trở lên với câu lạc bộ mà mình tham gia tập luyện, thi đấu để được tham gia chuyển nhượng theo quy định...”. Khi các bên thỏa thuận phù hợp, cầu thủ thấy được mức lương chi trả (hoặc có cả phí lót tay), họ sẵn sàng chấp nhận thử thách tại đội bóng mới.

Hai năm trở lại đây, trường hợp gây xôn xao nhất và có nhiều tranh cãi nhất của làng bóng chuyền về việc chuyển nhượng là cầu thủ chuyền hai Nguyễn Thị Thủy đã rời đội bóng cũ Geleximco Thái Bình để gia nhập đội mới Hóa chất Đức Giang tia sáng. Sau nhiều căng thẳng giữa 2 đội, Liên đoàn bóng chuyền Việt Nam phải vào cuộc phân xử. Cuối cùng, Nguyễn Thị Thủy đã được cấp thẻ VĐV và được đội Hóa chất Đức Giang tia sáng đăng ký thi đấu hợp lệ ở giải vô địch quốc gia. Tính tới lúc này của năm 2024, chưa trường hợp chuyển nhượng cầu thủ nào gây ra tranh cãi.

thuy-1-6971-1182.jpg
Nguyễn Thị Thủy từng là trường hợp khiến Liên đoàn bóng chuyền phải phân xử khi rời đội bóng cũ. Ảnh: MINH MINH

Lý giải nguyên do cầu thủ rời đội bóng của mình, chỉ người trong cuộc rõ nhất. Tuy nhiên, phần lớn sự ra đi là để tìm tới nơi chi trả cho mình thu nhập ổn định hơn, có lương, thưởng cao và khát vọng giành thành tích lớn. Điều này là phù hợp trong cơ chế thị trường. Cầu thủ có quyền lựa chọn. Nếu họ không sai luật, họ được quyền tìm cơ hội mới với đội bóng trả lương cao giúp bản thân đảm bảo cuộc sống mà chỉ có thế mới toàn tâm tập luyện, thi đấu thể thao. Ví dụ thấy rõ nhất là trường hợp phụ công Nguyễn Thị Trinh.

Năm 2021, cô đã chia tay đội bóng cũ Đắk Lắk (dù còn nặng lòng) để tới với những đội bóng mới có nguồn lực tài chính, khát vọng chiến thắng cao hơn. Lúc này, Nguyễn Thị Trinh ổn định tâm lý về cuộc sống với thu nhập yên tâm, là gương mặt quen thuộc ở đội tuyển bóng chuyền nữ Việt Nam và cô đã cùng đội bóng chủ quản hiện tại giành cúp vàng giải vô địch quốc gia 2023.

Năm 2023, giải bóng chuyền vô địch quốc gia có 20 đội tham dự (10 nam, 10 nữ). Năm 2024 này, giải bóng chuyền vô địch quốc gia có 18 đội (9 nam, 9 nữ). Trong đội dự giải vô địch quốc gia 2024, số ít đội chỉ có thể chi trả lương, thưởng cho cầu thủ theo quy định do chưa thêm nguồn lực đồng hành tài trợ như đội nam, nữ Hà Nội, nam Biên Phòng, nam Đà Nẵng, nam Hà Tĩnh, nữ Quảng Ninh. Số đông đội còn lại đã có nhà tài trợ nên chế độ lương được tốt hơn so với mặt bằng chung.

Tin cùng chuyên mục