Trong sự nghiệp của mình, Djokovic cũng hát khao giành tấm HCV quần vợt đơn nam về cho thể thao Serbia. Anh đã tham dự đầy đủ cả 3 kỳ Thế vận hội gần đây là Olympic Beijing 2008, Olympic London 2012 và Olympic Rio de Janeiro 2016. Tuy vậy, thành tích tốt nhất của anh chỉ là ở Trung Quốc hồi 13 năm về trước, khi anh thắng tấm HCĐ (Djokovic bị Nadal loại ở bán kết; Nadal sau đó giành HCV đơn nam, còn Djokovic thắng James Blake và giành tấm HCĐ…).
Trong khi đó, ở Thế vận hội tại nước Anh hồi năm 2012, Djokovic cũng lọt vào bán kết trước khi thúc thủ trước Murray chỉ sau 2 ván đấu. Murray sau đó giành HCV nhờ chiến tích đánh bại Federer, còn Djokovic đã để thua Juan Martin del Potro (Argentina) trong trận tranh hạng 3. Gần đây nhất, ở kỳ Thế vận hội tại Brazil, Djokovic thậm chí đã bị loại từ rất sớm, anh để thua “khắc tinh” Del Potro sau 2 loạt đánh tie-break ngay ở trận đấu mở màn của vòng đấu đầu tiên.
Năm nay, khi mà Olympic Tokyo 2020 đang bị đe dọa bởi dịch bệnh Covid-19, nhiều tay vợt đã quyết định rút lui, Djokovic lại đứng trước một cơ hội cuối cùng thắng tấm HCV ở đấu trường Thế vận hội. Sau khi cân nhắc một thời gian, Djokovic đã công bố quyết định của mình trên tài khoản Twitter: “Không thể khiến anh bạn nhỏ Koujirou thất vọng. Tôi đã đặt vé máy bay để bay đến Tokyo và tôi sẽ rất tự hào gia nhập cùng đoàn thể thao Serbia tham dự Thế vận hội”.
Djokovic, sau đó đã chia sẻ thêm: “Tôi rất tự hào khi xếp hành trang để đến Tokyo và gia nhập đoàn thể thao Serbia trong cuộc chiến đấu giành những tấm huy chương chói sáng nhất ở đấu trường Olympic. Với tôi, thi đấu đại diện cho màu áo Serbia luôn là một niềm vui và là động lực rất đặc biệt. Tôi sẽ cố gắng hết sức để khiến cho tất cả chúng ta hạnh phúc. Hãy tiến lên”.
Trước khi đăng quang ở Wimbledon, Djokovic thể hiện khát khao được tham dự Olympic Tokyo, dù vậy, anh thừa nhận anh còn cần phải cân nhắc nhiều thứ giữa tình hình dịch bệnh rất phức tạp ở khu vực châu Á. Tuy vậy, khi đã giành ngôi vô địch ở All England Club, qua đó kiểm soát 3/4 danh hiệu Grand Slam mùa này, nhiều người hiểu rằng, Djokovic muốn tham dự Thế vận hội nhiều đến nhường nào. Rất đơn giản, anh có tham vọng thắng luôn US Open năm nay, và còn gì tuyệt vời hơn nếu điểm tô 4 danh hiệu Grand Slam bằng cả tấm HCV đơn nam Olympic?
Trong quá khứ, chỉ có mỗi mình “tiền bối huyền thoại” Rod Laver từng giành 4 danh hiệu Grand Slam trong cùng 1 mùa giải. Nếu lên ngôi ở New York vào ngày 6-9 tới đây, Djokovic sẽ “kế thừa di sản” của Laver. Và sẽ rất tuyệt vời, nếu trước đó, anh thắng luôn tấm HCV Olympic. Trong suốt chiều dài lịch sử quần vợt, “cú Golden Slam” (thắng cả 4 danh hiệu Grand Slam cùng tấm HCV đơn ở đấu trường Olympic trong cùng 1 mùa giải) mới chỉ xuất hiện vỏn vẹn 1 lần…
Đó là khi huyền thoại của quần vợt nữ Steffi Graf (vốn là “bà xã đại nhân” của huyền thoại quần vợt nam Andre Agassi), “càn quét” các danh hiệu lớn nhất trong năm 1988. Khi đó, Graf vô địch Australian Open với chiến thắng trước Chris Evert trong trận đấu chung kết; đăng quang French Open sau khi đánh bại Natasha Zvereva (Liên Xô) trong trận cuối cùng; lên ngôi ở Wimbledon khi thắng Martina Navratilova trong trận chung kết đầy kịnh tính, bước lên bục cao nhất ở US Open với chiến thắng Gabriela Sabatini (Argentina). Còn ở đấu trường Olympic Seoul, bà cũng đã thắng Sabatini. Sẽ là rất tuyệt vời, nếu Djokovic tái lập kỳ tích như thế này!